Nam Định:

14 vụ việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử

Thứ hai, 30/10/2023 12:25
(ThanhtraVietNam) - Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được các cấp, các ngành trong địa bàn tỉnh Nam Định triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023; các biện pháp phòng ngừa được triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát hiện 14 vụ việc tham nhũng; thu hồi trên 1,2 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, căn cứ kế hoạch của tỉnh, các cấp, các ngành đã xây dựng Kế hoạch PCTN năm 2023 của địa phương, đơn vị mình, nội dung tập trung vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, hệ thống hóa văn bản về PCTN, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN. Toàn tỉnh đã ban hành 140 văn bản mới để triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; trong đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các Văn bản chỉ đạo, Kết luận của Ban chỉ đạo và Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực trong công tác này.

UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về PCTN, các văn bản chỉ đạo của Trung ương về PCTN. Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 18 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN với 2.007 lượt người tham dự.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phạm Gia Túc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Nam Định phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh. Ảnh: TS

Triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, UBND tỉnh đã thực hiện việc công khai ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách bằng hình thức gửi cho các đơn vị trên trục liên thông điện tử và công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Các cấp, các ngành đã công khai về tài chính ngân sách của đơn vị mình theo quy định tại các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Các quyết định, văn bản liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ, công chức như điều động, chuyển đổi vị trí công tác, quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, phân bổ chỉ tiêu biên chế… đã được các đơn vị công khai bằng hình thức thông báo, niêm yết tại đơn vị, công bố tại cuộc họp và công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, các quy định của ngành, địa phương khi thực thi nhiệm vụ, công vụ, chấp hành nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/9/2016 và Chỉ thị số 10/CT-T.Tg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác công vụ của tỉnh đã triển khai kiểm tra công vụ tại 06 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc; những tồn tại hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trong thực hiện nội quy quy chế cơ quan và thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức đã được chấn chỉnh kịp thời.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã rà soát, xây dựng kế hoạch và thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với những vị trí phải định kỳ chuyển đổi. Toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của 50 công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng. Việc rà soát và kiểm soát xung đột lợi ích để phòng ngừa nguy cơ tham nhũng trong cơ quan, đơn vị được các cấp các ngành thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Các đơn vị trong tỉnh tiếp tục triển khai việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và trả kết quả TTHC bằng văn bản điện tử. Chất lượng Quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp Dịch vụ công của tỉnh Nam Định luôn thuộc tốp dẫn đầu toàn quốc. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa của các huyện, thành phố duy trì hoạt động và hiệu quả. Theo thống kê trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Nam Định, 100% hồ sơ TTHC của người dân và doanh nghiệp được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống, tỷ lệ hồ sơ TTHC đã tiếp nhận qua cổng dịch vụ công được giải quyết đúng hạn và trước hạn luôn đạt trên 99,7%.

Việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) của đối tượng phải kê khai dã đi vào nề nếp; việc kê khai, công khai Bản kê khai tài sản thu nhập của người được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Thanh tra tỉnh đã triển khai và hoàn thành việc xác minh TSTN đối với 24 người tại 04 cơ quan, đơn vị được lựa chọn ngẫu nhiên. Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ triển khai xác minh tài sản, thu nhập đối với 14 người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý; UBKT Huyện uỷ các huyện, thành phố đã triển khai xác minh tài sản, thu nhập đối với 59 người thuộc quyền quản lý của mình.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Nam Định đã và đang xử lý 14 vụ việc tham nhũng, với 38 đối tượng được phát hiện qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; trong đó, có 10 vụ, với 25 đối tượng mới thụ lý giải quyết. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện được trên 2,6 tỷ đồng, đã thu hồi được hơn 1,2 tỷ và có 02 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhằm khuyến khích cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, ngăn ngừa tham nhũng. Tạo điều kiện để người dân tham gia PCTN; kịp thời xem xét và chỉ đạo các cấp, các ngành giải quyết đơn thư tố cáo, phản ánh của công dân đối với những vi phạm của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ công vụ; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tố cáo về bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo, phản ánh hành vi tham nhũng nói riêng.

Nhìn chung, công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đồng bộ; tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh không phức tạp, không phát sinh vụ việc tham nhũng nghiêm trọng. Các hành vi tham nhũng sau khi được phát hiện đã được kịp thời xử lý, các vụ án tham nhũng nhanh chóng được điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật; góp phần răn đe và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ.

Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành kế hoạch năm 2023 đã đề ra, toàn tỉnh Nam Định cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao chất lượng công khai, minh bạch của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đã xây dựng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, TC.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong công tác PCTN; kịp thời xử lý, giải quyết các đơn tố cáo, phản ánh liên quan đến tham nhũng. Đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trong khu vực ngoài nhà nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng theo quy định.

Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy Ban Kiểm tra Huyện ủy, Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của MTTQ trong công tác PCTN; trong đó, tập trung phối hợp trong công tác kiểm soát tài sản thu nhập, trong việc tiếp nhận, cung cấp thông tin về tham nhũng, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tham nhũng./.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra