Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc xoay quanh vấn đề “sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, đảng viên

Bài 1: Nhận diện về những biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên

Thứ năm, 03/10/2024 06:05
(ThanhtraVietNam) - Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ ta; là khâu then chốt của then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Khi nói về vai trò của cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (1), “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định.” (2)

Mở đầu

Nhận định về vai trò cốt lõi vô cùng quan trọng của cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp cách mạnh nước ta qua các thời kỳ, trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Suy cho cùng mọi thành bại đều do con người và tất nhiên sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên”(3). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh chủ trương: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm,... đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” (4).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Phải công tâm đánh giá rằng, đa số cán bộ lãnh đạo các cấp có phẩm chất tốt, có uy tín, có tư duy đổi mới, có năng lực hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; làm việc tùy tiện, quan liêu; giải quyết công việc chậm, kéo dài; thái độ phục vụ hách dịch, cửa quyền. Tình trạng cán bộ, đảng viên sợ sai không dám làm, không dám quyết; đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ phận, cơ quan, đơn vị, từ dưới đẩy lên, từ trên đẩy xuống... khiến các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và người dân bị đình trệ, gặp nhiều khó khăn.

Nhận diện về những biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Căn bệnh “sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta bắt bệnh và chỉ ra từ lâu. Xoay quanh vấn đề này, nội dung dưới đây sẽ trích dẫn một số ý kiến nhận diện về biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm” đối với cán bộ, đảng viên qua các bài viết, các diễn đàn thời gian qua.

Trong di sản tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến căn nguyên của căn bệnh “sợ trách nhiệm” một cách rất cụ thể: "Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm"(5). Theo Bác, những người mắc bệnh sợ trách nhiệm là những người: "Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng"(6).

Những năm đầu thập kỷ 80, trong bối cảnh miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội với quy mô ngày càng lớn. Khi đó nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhất là cán bộ, đảng viên: “phải là một chiến sĩ xung kích trong cuộc đấu tranh xây dựng nền kinh tế mới, chế độ mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, suy nghĩ và hành động với tinh thần cách mạng tiến công, với ý thức làm chủ tập thể, luôn luôn nhạy bén trước cái mới, chủ động và sáng tạo trong công tác, kiên quyết đấu tranh chống những tư tưởng và hành động trái với quan điểm và đường lối của Đảng, chống những xu hướng tiêu cực, bảo thủ”(7).

Nhưng thực tế trong cán bộ, đảng viên ta lúc bấy giờ vẫn còn có những đồng chí sợ trách nhiệm. Vì vậy, tháng 11 năm 1973, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi đó còn là một biên tập viên trẻ của Tạp chí Cộng sản, đã đăng bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm" trên chuyên mục "Sinh hoạt tư tưởng".

Trong bài viết này, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một số biểu hiện của người sợ trách nhiệm là: “(1) Làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn (2) Thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình (…), mà việc lớn, việc nhỏ gì cũng muốn đưa ra tập thể bàn, chờ “ý kiến tập thể” cho “đỡ phiền”; (3) Ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới. Lấy cớ phải có tác phong “thận trọng, chín chắn”, phải “giữ gìn đoàn kết”; không thẳng thắn phê bình những người phạm khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”(8).

Theo đồng chí Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng: “Biểu hiện cụ thể của tình trạng sợ trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay có nhiều điểm giống với những biểu hiện mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra cách đây 50 năm, rõ nhất là trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai... (9)

Những biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên nêu trên dẫn đến những hệ lụy và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gây rất nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, gây bức xúc trong xã hội.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập. IV. VẤN ĐỀ CÁN BỘ. Nxb. CTQG-ST, H, 2011, t5, tr. 309;

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập. II. MẤY ĐIỀU KINH NGHIỆM. Nxb. CTQG-ST, H, 2011, t5, tr. 280;

(3) Nguyễn Phú Trọng - Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. CTQG-ST, H. 2023, trang 465;

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG-ST, H.2021, t.2, tr.230;

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, TRÍ THỨC TƯ SẢN CHỈNH PHONG. Nxb. CTQG-ST, H, 2011, t. 11, tr. 467;

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập. ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG. Nxb. CTQG-ST, H, 2011, t. 11, tr. 605;

(7) Nguyễn Phú Trọng - Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. CTQG-ST, H. 2023, tr. 465, 466;

(8) Nguyễn Phú Trọng - Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, NXBCTQG-ST, H. 2023, tr. 466-467;

(9) Nguyễn Thái Học - “Bệnh sợ trách nhiệm” - 50 năm trước và hiện nay. Báo Tuổi trẻ ngày 06/11/2023.

TS. Nguyễn Trọng Phú,
Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra