Luân chuyển, điều động cán bộ thanh tra, kiểm toán góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước trước nguy cơ tha hóa quyền lực, tiêu cực và luận điệu xuyên tạc hiện nay

Bài 3: Quyết liệt trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ tại Thanh tra Chính phủ

Thứ sáu, 03/05/2024 12:35
(ThanhtraVietNam) - Tại Thanh tra Chính phủ, việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức là yêu cầu cấp thiết, được thực hiện thường xuyên, liên tục và đặc biệt quyết liệt trong thời gian gần đây.

BÀI 1: QUY ĐỊNH SỐ 131-QĐ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ BẢO VỆ CÁN BỘ THANH TRA, KIỂM TOÁN TRƯỚC NGUY CƠ THA HÓA QUYỀN LỰC, TIÊU CỰC

Bài 2: Kinh nghiệm đột phá, tiên phong của Kiểm toán Nhà nước trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ

leftcenterrightdel

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: K. Dung

Luân chuyển, điều động cán bộ - một vấn đề khó nhưng không thể không làm

Luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức là một trong những công việc quan trọng trong công tác cán bộ nhằm đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có kiến thức toàn diện, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sẵn sàng thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ theo yêu cầu của công việc.

Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, Thanh tra Chính phủ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn công tác. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà thanh tra là một trong những lực lượng đi đầu, đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác cán bộ cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Trong đó, công tác luân chuyển, điều động cán bộ chưa được thực hiện thường xuyên, bài bản với các kế hoạch dài hạn, rõ ràng.

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết: “Không phải không có tình trạng một bộ phận cán bộ ở một vị trí nhiều năm ngại thay đổi, mất động lực và sự hăng hái trong công việc. Thậm chí, không phải không có những biểu hiện cát cứ nơi này nơi khác, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ và có nguy cơ hình thành nhóm lợi ích. Một số cán bộ thanh tra bị bắt và bị tuyên án trong thời gian gần đây là minh chứng, cũng là bài học đau xót để chúng ta cần khắc phục ngay và có biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa.”

leftcenterrightdel
TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: NVCC 

Hiểu rõ về những rào cản, thách thức trong công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Thanh tra nói chung, tại Thanh tra Chính phủ nói riêng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong từng chỉ đạo: “Luân chuyển, điều động cán bộ là một vấn đề khó, nhưng không thể không làm, cần đoàn kết, quyết tâm để thực hiện, phải phá được băng, đánh tan được tâm lý ngại luân chuyển, ngại thay đổi, muốn làm tại một vị trí cho đến khi nghỉ hưu.”

Phân tích về nội dung này, TS. Đinh Văn Minh bày tỏ: Khó là bởi vì nó đụng chạm trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của từng con người cụ thể. Khó bởi vì có những rào cản tâm lý từ thói quen trong công việc, từ những mối thâm giao trong quan hệ vốn luôn coi trọng chữ “tình” của người Việt Nam. Sự gắn kết, ổn định có mặt trái là sự trì trệ, bảo thủ, cùn mòn đã biểu hiện trong nhiều năm qua, thực sự là những “tảng băng” cần phải kiên quyết phá bỏ.

Do đó, “công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức tại Thanh tra Chính phủ không phải là muốn hay không nữa mà cần phải làm ngay để đội ngũ cán bộ thanh tra, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt phải có sự thay đổi cần thiết, trở nên năng động hơn, mạnh mẽ hơn, khát vọng và quyết tâm hơn trên cương vị công tác mới. Luân chuyển và điều động cũng là dịp để đội ngũ công chức thanh tra có dịp trải nghiệm, chia sẻ với những vị trí, công việc khác nhau. Từ đó tạo ra sự đoàn kết, nhất trí cao và sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt trong mỗi công việc sau này” - TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh.

Lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ có một cuộc điều chuyển cán bộ với quy mô và số lượng lớn

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc luân chuyển, điều động cán bộ, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ đã quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng bộ các chủ trương, quy định của Đảng về công tác cán bộ.

leftcenterrightdel
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trao Quyết định cho tân Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường. Ảnh: PV 

Trong đó có Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Thông báo số 20-TB/TW ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Căn cứ vào các quy định, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, ngày 15/3/2023, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ. Đây là cơ sở để Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 766/KH-TTCP về luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2023-2027.

Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, ngày 28/12/2023, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 25-KH/BCSĐ thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW.

Thông qua Kế hoạch số 25-KH/BCSĐ, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ đã phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 131-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, trong đó chú ý công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, đảng viên đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cục, vụ, đơn vị, tổ chức đoàn thể và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ.

Chính nhờ sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, giai đoạn 2023-2027, nhất là từ năm 2023 đến nay đánh dấu thời kỳ thực hiện mạnh mẽ công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với 27 lãnh đạo cấp vụ tại Thanh tra Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ có một cuộc điều chuyển với quy mô và số lượng lớn như vậy.

Hiệu quả của công tác luân chuyển, điều động cán bộ tạo được khí thế, động lực mới cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức

Đáng chú ý, Thanh tra là một nghề có tính chuyên môn sâu. Thanh tra Chính phủ gồm 20 cục, vụ, đơn vị, trong đó có 03 cục thanh tra theo địa bàn và 03 vụ thanh tra phân theo lĩnh vực chuyên ngành.

Chính vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, các cấp ủy đảng và các đơn vị chức năng đã phải cân nhắc, sắp xếp sao cho phù hợp nhất, phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất, sở trường công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; tạo môi trường phù hợp nhất cho cán bộ được rèn luyện, trưởng thành và phát triển một cách toàn diện, tất cả vì lợi ích chung, vì hiệu quả công tác, vì sự ổn định, phát triển của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam trao quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cho một số lãnh đạo: Cục I, Vụ I, Vụ II và Ban Tiếp công dân Trung ương. Ảnh: Thái Minh

“Thực tiễn cho thấy, những kiến thức chuyên môn được bổ sung, bồi đắp trong quá trình luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức tại Thanh tra Chính phủ thời gian qua đã góp phần hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành thạo, chuyên nghiệp về kỹ năng, nghiệp vụ cũng như bảo đảm sự phối hợp hiệu quả trong công việc.

Chẳng hạn, một công chức làm công tác thanh tra khi được điều động về làm công tác tổ chức sẽ thấy rõ hơn nội dung, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho công chức đi thanh tra trực tiếp, một cán bộ pháp chế điều chuyển về công tác tiếp dân sẽ vận dụng tốt những quy định của pháp luật vào thực tế tiếp dân, xử lý đơn thư.

Ngược lại, một cán bộ thanh tra có nhiều năm làm công tác thanh tra khi điều chuyển về đơn vị nghiên cứu sẽ có cơ hội đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn của mình để nghiên cứu và xây dựng những quy trình nghiệp vụ thanh tra hợp lý hơn hoặc có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật một cách có căn cứ, thuyết phục hơn…” - TS. Đinh Văn Minh chiêm nghiệm.

Chính kết quả công tác của các cá nhân ở đơn vị mới đã khẳng định chủ trương, quyết định đúng đắn của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ về công tác cán bộ.

Những kết quả đó cũng là minh chứng sinh động cho lời phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tại Hội nghị công bố quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác cán bộ ngày 10/10/2023: "Đây là công việc rất khó, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến yếu tố con người, nhưng Ban cán sự đảng cùng tập thể lãnh đạo, cấp ủy, các cục, vụ, đơn vị có liên quan đã đồng thuận, thống nhất rất cao nên công tác cán bộ lần này tạo được khí thế, động lực mới cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bắt tay ngay vào công việc với quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

(còn nữa)

Kim Dung - Trung Kiên

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra