Hòa Bình:

Ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030

Thứ hai, 13/11/2023 16:47
(ThanhtraVietNam) - Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.
leftcenterrightdel
 Thành phố Hòa Bình (ảnh: Đoàn Cần)

UBND tỉnh Hòa Bình đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phối hợp trong công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu kế hoạch hành động phải bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong phòng, chống tham nhũng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên quan điểm phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc phòng, chống tham nhũng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Từng nhiệm vụ, giải pháp có phân công trách nhiệm các cơ quan tham mưu, thực hiện, thời gian thực hiện nhằm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng để kịp thời xử lý theo đúng quy định pháp luật, ngăn chặn các hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra. Xác định đúng trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

UBND tỉnh Hòa Bình giao Thanh tra tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược; chủ động theo dõi, đánh giá, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện hàng năm, đề xuất sơ kết, tổng kết. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc “Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030”; kịp thời kiến nghị với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan báo chí cùng toàn thể Nhân dân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược./.

Đoàn Cần
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra