Thanh tra Chính phủ:

Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030

Thứ tư, 12/06/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ mới ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 (Giai đoạn thứ nhất: 2023-2026).
leftcenterrightdel
 

Theo đó, sáu nhóm nội dung nhiệm vụ của Kế hoạch nói trên được xây dựng trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị trong các lĩnh vực công tác của Thanh tra Chính phủ phù hợp với chức năng, thẩm quyền theo quy định; xác định thời gian hoàn thành và trách nhiệm của các cục, vụ, đơn vị trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện. Cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nhóm nhiệm vụ này bao gồm việc: Rà soát để hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao của Thanh tra Chính phủ; Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cục, vụ, đơn vị; đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

Nhóm nhiệm vụ này bao gồm việc: Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN,TC trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong ngành Thanh tra theo hướng Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số quốc gia; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ gần với việc công khai và minh bạch trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân và PCTN, TC.

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật nhất là công khai, minh bạch trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; hoàn thiện và xây dựng văn hóa thanh tra trong thực thi công vụ.

Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan Thanh tra Chính phủ theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, đạo đức lối sống của cán bộ công chức, viên chức nhất là việc tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cơ quan, quy chế hoạt động đoàn thanh tra, Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN,TC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Nghị quyết 122-NQ/BCSĐ ngày 01/3/2024 của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả công tác thanh tra và xử lý trách nhiệm các vi phạm trong hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ

Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, tập trung thanh tra những lĩnh vực, nội dung dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm.... nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN,TC; tăng cường giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Kiến nghị hoàn thiện thể chế, khắc phục những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ được phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và PCTN,TC.

Sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phù với Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng có liên quan, xây dựng Quy chế phối hợp mới, nhằm tăng cường sự phối hợp trong công tác, chia sẻ thông tin về PCTN, TC kịp thời, hiệu quả.

Đánh giá công tác PCTN, TC của các bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Thứ tư, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức Thanh tra Chính phủ trong PCTN,TC

Các cơ quan, đơn vị báo chỉ thuộc Thanh tra Chính phủ tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC, tổ chức các cuộc thi và nhân rộng nhân tổ tích cực, điển hình, tiến tiến, sáng kiến, cách làm hay trong PCTN,TC.

Các đơn vị chức năng thuộc Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng các nội dung về PCTN,TC.

Tổng kết, đánh giá, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về khen thưởng và bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ năm, tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng

Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN; tham gia các văn bản ký kết giữa Việt Nam, Bộ, ngành với các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế có liên quan đến công tác PCTN.

Thúc đẩy hợp tác kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm về công tác PCTN với các đối tác nước ngoài, tổ chức quốc tế; nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về PCTN của các quốc gia, các tổ chức quốc tế phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Thứ sáu, thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan

Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch thực hiện Chiến lược (Giai đoạn 2023-2026); đồng thời tham mưu giúp Chính phủ sơ kết Chiến lược vào năm 2026 và xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 2; tổng kết Chiến lược vào năm 2031.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra