Thanh Hóa:

Bảo đảm đồng bộ, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”

Thứ tư, 26/01/2022 22:09
(ThanhtraVietNam) - Trong năm vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành quán triệt, triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng (PCTN), bảo đảm đồng bộ, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN.

Năm 2021, các sở, ban, ngành UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ đã ban hành mới 373 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định về PCTN, đạt 263% so với cùng kỳ năm 2020. Các tổ chức thanh tra trong toàn tỉnh chủ động thực hiện kế hoạch thanh tra pháp luật về PCTN gắn với thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các sở, ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Lãnh đạo các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tổ chức việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành. Qua rà soát đã đề xuất sửa đổi, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; các văn bản quy phạm pháp luật cần đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp, sát đúng với quy định hiệu lực pháp luật và tình hình địa phương. Trong năm, 43 văn bản được sửa đổi, bổ sung để thực hiện Luật PCTN.

leftcenterrightdel
Ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác điều tra, truy tố xét xử, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Đ.TRUNG

Nhìn chung, các ngành Nội chính, Công an, Kiểm sát, Thanh tra, căn cứ hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy PCTN, bố trí những cán bộ có phẩm chất, năng lực làm công tác PCTN; tuy nhiên, đây không phải là các cơ quan chuyên trách về PCTN nên còn nhiều bất cập trong hoạt động. Quan hệ phối hợp trong công tác PCTN giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, thông qua việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, kinh nghiệm đã góp phần nâng cao chất lượng, nhận thức và hành động cán bộ, công chức trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách pháp luật về PCTN được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Tổ chức các hội nghị; các lớp tập huấn; trong các cuộc họp tại cơ quan, đơn vị; thông qua tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thông qua hoạt động hòa giải; trợ giúp pháp lý; các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi; phát trên hệ thống truyền hình, truyền thanh; in ấn; phát hành tài liệu... Qua đó, đã phổ biến các quy định của pháp luật và phản ánh tình hình thực hiện pháp luật về PCTN, biểu dương những việc làm tích cực, những nhân tố mới trong PCTN, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cũng như ý thức đấu tranh PCTN trong đội ngũ cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách thủ tục hành chính; công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán... dưới các hình thức như: Niêm yết tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, công bố trên cổng thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng, công bố tại cơ quan, đơn vị, thông báo bằng văn bản đến cơ quan tổ chức, cá nhân. Qua đó, tăng cường sự giám sát của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, góp phần nâng cao tác dụng phòng ngừa vi phạm.

Trong năm, có 933 cơ quan, đơn vị, tổ chức được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đạt 219% so với cùng kỳ năm 2020. Về thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các cơ quan hành chính, chức năng đã tự tiến hành 62 cuộc kiểm tra, qua kiểm tra phát hiện 12 vụ vi phạm các quy định về chế độ định mức tiêu chuẩn với 82 người; xử lý hành chính 72 người. Tổng giá trị các vi phạm về chế độ định mức tiêu chuẩn là 236 triệu đồng (đã thu hồi). Tổng số tiền, tài sản tham nhũng được phát hiện trong kỳ báo cáo là hơn 11.780 triệu đồng đối với 8 vụ việc và 30 đối tượng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số sở, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế như công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai vẫn diễn ra ở không ít đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tuy đã có những chuyển biến so với năm 2020 nhưng vẫn còn hạn chế, số vi phạm phát hiện được còn chưa thể hiện đúng tình hình thực tế.

Việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích tuy đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nhưng trên một số lĩnh vực, hiệu quả công tác này còn chưa thực sự chuyển biến; qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực Nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra.

Đặc biệt, vẫn còn một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra./.

Hà Tuấn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra