Bình Thuận: Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt

Thứ tư, 18/12/2024 10:35
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận luôn được cấp ủy, các cấp, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin đối với Đảng và Nhà nước.

Kịp thời phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cấp, ngành, địa phương

Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện tốt Chương trình công tác và Chương trình kiểm tra, giám sát, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Đồng thời, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 17 văn bản để triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

leftcenterrightdel
Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp đánh giá tình hình, kết quả hoạt động năm 2024 (ảnh TTD) 

Trong năm, Ban Chỉ đạo tỉnh đã hoàn thành 3 cuộc kiểm tra theo Chương trình đề ra. Các cơ quan thanh tra đã triển khai 320 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế gần 5,4 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước gần 1,25 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm điểm rút kinh nghiệm 20 tập thể và 97 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 8 vụ.

Về thanh, kiểm tra chuyên ngành, kiến nghị thu hồi hơn 35,4 tỷ đồng; ban hành 504 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.

Cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kết luận và xử lý các tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm liên quan liên quan đến vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp huyện cũng đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, qua đó, thi hành kỷ luật 22 đảng viên; kiểm điểm rút kinh nghiệm 7 đảng viên và 1 tổ chức Đảng.

Toàn tỉnh tiếp nhận 22 đơn tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực, xác minh, giải quyết 19 đơn. Tổ chức xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 của 215 cán bộ, công chức, viên chức. Qua xác minh, không có trường hợp nào kê khai tài sản thu nhập không trung thực. Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị mình; đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách 2 trường hợp, cảnh cáo 1 trường hợp, kiểm điểm rút kinh nghiệm 4 trường hợp. Đối với khu vực ngoài Nhà nước, các cơ quan chức năng phát hiện 16 vụ/22 đối tượng tham nhũng, tiêu cực. Đến nay, đã kết luận điều tra 4 vụ/4 bị can.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo tỉnh cũng thường xuyên đôn đốc việc chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực

Về nhiệm vụ trong năm 2025, Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cấp, các ngành, nhất là trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác này trong các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc tỉnh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; nâng cao chất lượng tự kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý vi phạm. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc cung cấp thông tin liên quan để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Tập trung chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án; kiên quyết thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về đạo đức liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu.

Ngoài ra, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo, đài và Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời thông tin, định hướng dư luận đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo, không để phát sinh đơn thư, khiếu nại và các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự. Chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm…

Tuyết Nhung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra