Bình Thuận: Thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, chặt chẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ tư, 20/03/2024 17:15
(ThanhtraVietNam)- Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tạo tiền đề phát triển KT - XH, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bình Thuận: Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác cải cách hành chính

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2024

Bình Thuận: Xác minh tài sản, thu nhập 10 đơn vị, địa phương và doanh nghiệp

Bình Thuận: Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tạo đồng thuận trong nhân dân

Để đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian đến, Bình Thuận tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm, chặt chẽ, nghiêm minh, hiệu quả để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Trong năm 2023, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các sở, ban, ngành tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế - chức vụ, tiêu cực có chuyển biến tích cực; đã xử lý xong 5 vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực (tăng 03 vụ so với năm 2022); công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng đạt tỷ lệ cao (đạt 100% về tiền, 93% về đất). Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức đảng, 6 đảng viên liên quan đến một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Kết quả: đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 03 tổ chức đảng; thi hành kỷ luật 06 đảng viên (khiển trách 03, cảnh cáo 03); rút kinh nghiệm 05 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đang tiếp tục kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 01 tổ chức đảng. Ban Thường vụ, Ủy ban kiểm tra các cấp ủy đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 47 đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được dư luận xã hội quan tâm. Qua kiểm tra, đã thi hành kỷ luật 16 đảng viên (khai trừ 01, cách chức 01, cảnh cáo 04, khiển trách 12) và rút kinh nghiệm 18 đảng viên; đang tiếp tục kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 08 đảng viên.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả được nâng lên. Toàn tỉnh tiến hành 21 cuộc thanh tra; đến nay, đã ban hành 19 kết luận thanh tra trách nhiệm người đứng đầu về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm trong quản lý số tiền 1 tỷ 673,9 triệu đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 1 tỷ 534,5 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác 609 triệu đồng; kiến nghị kiểm điểm các tập thể và cá nhân có liên quan đến sai phạm. Đến nay, đã thu hồi 1 tỷ 203,5 triệu đồng, kiểm điểm trách nhiệm 05 cá nhân. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phản ảnh kiến nghị được quan tâm giải quyết theo quy định của pháp luật, khiếu kiện đông người giảm rõ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

leftcenterrightdel
 Một cuộc họp định kỳ tháng năm 2023 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Thuận (ảnh:Quốc Cường)  

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp hiệu quả chưa cao. Công tác thanh tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với người đứng đầu của một số địa phương, đơn vị chưa nhiều. Việc kê khai tài sản thu nhập của nhiều trường hợp vẫn còn sai sót. Công tác tự kiểm tra nội bộ hiệu quả thấp, một số đơn vị, địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Một số cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện xong nhưng chưa kết luận; chậm báo cáo kết quả. Công tác xử lý, giải quyết vụ án, vụ việc kinh tế - chức vụ nhìn chung còn chậm so với yêu cầu; việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, chức vụ tỷ lệ còn thấp. Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực còn chậm so với yêu cầu; việc xử lý đảng viên vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực của một số cấp ủy trực thuộc tỉnh còn chậm, có trường hợp kết quả xử lý chưa tương xứng giữa kỷ luật hành chính với kỷ luật đảng viên...

Quyết tâm thực hiện tốt hơn

Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải được thực hiện với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành.

Theo đó, phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, nhất là về đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng, y tế. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng, dự án đầu tư, nhất là các dự án chậm triển khai, việc chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh bất động sản; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm.Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan tham nhũng, tiêu cực; chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên liên quan trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được dư luận xã hội quan tâm.

Nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, ngay từ cơ sở, đơn vị. Nâng cao chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự; không để vụ án, vụ việc tồn đọng, quá hạn, kéo dài. Khắc phục có hiệu quả những hạn chế, thiếu sót trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ hoạt động tố tụng.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy chính quyền, địa phương trong việc tiếp công dân và xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh kiến nghị. Nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, đặc biệt là Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, không xảy ra oan, sai, không để lọt tội phạm. Triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... là một trong những giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

 

Khánh Nghi

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra