Thực hiện nghiêm quy định về kê khai, kiểm soát TSTN
Việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong những năm qua được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao và được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Việc kê khai TSTN của người có chức vụ, quyền hạn từng bước đi vào nền nếp. Quy định về quy trình, thủ tục ngày càng hoàn thiện ở các khâu tổ chức kê khai, công khai, bản kê khai TSTN.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ đã thiết lập hệ thống các cơ quan kiểm soát TSTN và cụ thể hóa các cơ chế xác minh, đặc biệt là việc xác minh theo kế hoạch hàng năm đối với người kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên là bước đột phá, yếu tố quan trọng, cơ sở pháp lý vững chắc cho việc kiểm soát TSTN đối với cán bộ, công chức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, ngừa tham nhũng trong thời gian tới.
Thực hiện các quy định về kê khai, kiểm soát TSTN, lãnh đạo và cấp ủy của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác kê khai và xác minh TSTN. Nhận thức của đảng viên, công chức, người lao động về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc kê khai TSTN và kiểm soát việc kê khai TSTN được nâng lên, đồng thời xác định việc kiểm soát TSTN là biện pháp quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
|
|
Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long phát biểu tại Hội nghị Bốc thăm lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2024. (Ảnh: Bộ Công Thương) |
Từ năm 2021, khi được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao nhiệm vụ thực hiện kiểm soát TSTN của các đối tượng thuộc Bộ quản lý, Thanh tra Bộ Công Thương đã tích cực tổ chức, thực hiện đảm bảo việc công khai, minh bạch, tăng cường hướng dẫn và nghiêm túc triển khai việc xác minh TSTN. Công tác triển khai thực hiện đã được một số đơn vị đã phối hợp tích cực trong cung cấp thông tin, như: Phòng Cảnh sát giao thông - Công an các tỉnh, thành phố; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố; Văn phòng Đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.
Thực tế kiểm tra xác minh tại Bộ Công Thương năm 2022, 2023 cho thấy, về cơ bản các công chức, viên chức có ý thức trách nhiệm trong việc kê khai, đã thực hiện kê khai đầy đủ, rõ ràng các nội dung theo yêu cầu. Các cá nhân được xác minh đều phối hợp, cung cấp hồ sơ, tài liệu minh chứng và giải trình về nguồn gốc TSTN theo quy định.
Năm 2024, Bộ Công Thương có 6.385 người kê khai TSTN hàng năm; 176 người kê khai TSTN lần đầu; 125 người kê khai TSTN bổ sung; 445 người kê khai TSTN phục vụ công tác cán bộ. Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc ban hành kế hoạch kiểm tra, xác minh TSTN năm 2024 của Bộ Công Thương; đồng thời thành lập Tổ thực hiện bốc thăm lựa chọn người được xác minh TSTN năm 2024.
Kết quả, có 28 đơn vị được bốc thăm với 153 cá nhân được bốc thăm xác minh TSTN. Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện thu thập thông tin phục vụ Kế hoạch kiểm tra, xác minh năm 2024.
Những kiến nghị, đề xuất của Bộ Công Thương
Từ những thuận lợi cũng như khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác kiểm soát, kê khai TSTN, Bộ Công Thương đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới.
Thứ nhất, những vấn đề, nội dung cần quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung
Cần xây dựng và ban hành quy định cụ thể về phối hợp cung cấp thông tin và kiểm soát TSTN; trách nhiệm cụ thể trong việc cung cấp thông tin của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Cần xây dựng chế tài và biện pháp xử lý cụ thể với các nguồn gốc TSTN tăng thêm khi có việc vi phạm các quy định của nhà nước liên quan đến các lĩnh vực.
|
|
Kiểm soát tài sản, thu nhập là nội dung được Thanh tra Chính phủ quan tâm, chú trọng. (Ảnh: K. Dung) |
Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xác minh cũng như thông tin cần thu thập từ các cơ quan chức năng và hồ sơ, tài liệu cần minh chứng của người được xác minh.
Quy định cụ thể về trường hợp kê khai và giải trình không trung thực.
Sửa đổi, bổ sung mẫu kê khai, bổ sung thông tin kê khai về tiền vay. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai TSTN sát với thực tế, không quá rộng dẫn đến khó quản lý, khó kiểm soát và không phát huy hiệu quả.
Quy định cụ thể các bản kê khai cần thực hiện và gửi về cơ quan kiểm soát TSTN.
Thứ hai, những nội dung kiến nghị khác nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát TSTN
Xây dựng hệ thống pháp lý thống nhất, cụ thể trong kê khai, xác minh, xử lý TSTN vi phạm và hệ thống dữ liệu làm cơ sở cho việc kê khai và kiểm soát TSTN.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin về công tác kê khai TSTN và báo cáo theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Đề nghị Thanh tra Chính phủ xây dựng phần mềm quản lý về công tác kê khai TSTN để hình thành cơ sở dữ liệu về minh bạch TSTN nhằm giải quyết các vấn đề, như: Hướng dẫn kê khai; quản lý tuân thủ kê khai; kiểm tra, xác minh nội dung; quản lý truy cập thông tin kê khai; phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo kê khai,… góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng./.