Bộ Công Thương: Không được hách dịch, nhũng nhiễu, hạch sách

Thứ tư, 31/05/2023 15:35
(ThanhtraVietNam) - Bộ Công Thương yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động (NLĐ) thuộc Bộ không được có thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, hạch sách; gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu hoặc nhận giải quyết công việc bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc để trục lợi cá nhân; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, vướng mắc của tổ chức và công dân.

Ngày 25/5/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1239/QĐ-BCT ban hành kèm theo Quy tắc ứng xử của CBCCVC và NLĐ Bộ Công Thương nhằm xây đựng đội ngũ CBCCVC và NLĐ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, liêm chính, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và xã hội; xây dưng nên hành chính phục vụ, minh bạch và hiệu quả.

Đây là cơ sở để giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật, thực thi nhiệm vụ công vụ của CBCCVC, NLĐ trong quan hệ xã hội liên quan đến việc thực thi công vụ. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của CBCCVC, NLĐ trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện văn hóa công vụ; làm căn cứ để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét trách nhiệm khi CBCCVC, NLĐ vi phạm các chuẩn mực ứng xử trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội.

leftcenterrightdel
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương. (Ảnh: moit.gov.vn) 

Không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Bộ Công Thương yêu cầu, khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ, CBCCVC và NLĐ phải mặc trang phục gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những ngành, lĩnh vực có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định riêng.

Đặc biệt, phải trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân; xây dựng và bảo vệ uy tín, hình ảnh của người CBCCVC, NLĐ của đơn vị, của Bộ.

Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, CBCCVC, NLĐ phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân, giải quyết công việc theo vị trí công tác, sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, không kén chọn chức danh, vị trí công tác, chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Đồng thời, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về nghĩa vụ của CBCCVC, NLĐ theo quy định của pháp luật về CBCCVC và Luật Lao động. Riêng đối với công chức, viên chức ở lĩnh vực thanh tra và các hoạt động nghề nghiệp khác, ngoài việc thực hiện những quy định của Quy tắc này, phải thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp quy định.

Chấp hành nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Đáng chú ý, Bộ Công Thương yêu cầu CBCCVC, NLĐ không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cá nhân, danh nghĩa của cơ quan, đơn vị đang công tác để xử lý, giải quyết việc riêng; sử dụng tài sản, trang thiết bị, phương tiện công sai mục đích hoặc vào mục đích cá nhân dưới mọi hình thức.

Không được có thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, hạch sách. Không được làm mất, hư hỏng hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu của tổ chức và công dân khi được giao nhiệm vụ giải quyết. Phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không tự ý phát ngôn, cung cấp văn bản, tài liệu liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, của Bộ, ngành cho các tổ chức, cá nhân khi chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

Lưu ý, không được sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ; tuyên truyền, quảng bá những hình ảnh, tư liệu, hành động đồi trụy và thực hiện những hành vi mê tín dị đoan tại nơi làm việc.

Không được làm lộ bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật nội dung và họ tên người viết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. CBCCVC, NLĐ phải chấp hành nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cần phải đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; tâm huyết, tận tụy, gương mẫu đi đầu trong việc nêu gương về mọi mặt. Không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp.

Giữ gìn đoàn kết nội bộ; thực hiện dân chủ cơ sở, tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn của cấp dưới; ứng xử theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng và minh bạch. Phân công nhiệm vụ cho cấp dưới rõ ràng và thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc thực hiện. Công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá CBCCVC, NLĐ thuộc quyền quản lý; bảo vệ danh dự của CBCCVC và NLĐ khi có phản ánh, tố cáo không đúng sự thật.

Ngoài ra, Quy tắc còn quy định về: Ứng xử của CBCCVC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và người lao động; giao tiếp qua điện thoại, thư điện tử công vụ và trên mạng xã hội; chuẩn mực ứng xử trong quan hệ xã hội (ứng xử nơi công cộng, nơi cư trú và trong gia đình)./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra