Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Thứ năm, 22/09/2022 07:55
(ThanhtraVietNam) - Trong giai đoạn 2012-2022, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) luôn chủ động chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị thuộc Bộ.

Công khai, minh bạch trong quản lý, mua sắm công và thu chi ngân sách

Hàng năm, Bộ đã ban hành đầy đủ, kịp thời kế hoạch cải cách hành chính cũng như các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính trên các lĩnh vực của Bộ, ngành; đồng thời, bố trí nhân lực, kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính của Bộ. 100% đơn vị trực thuộc đã xây dựng các nội quy, quy chế liên quan nhằm thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) 

Mặt khác, Bộ công khai kết quả tài chính, kế hoạch phân bổ ngân sách của Bộ theo đúng quy định; công khai, minh bạch trong thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động đấu thầu sử dụng ngân sách, quản lý và sử dụng ngân sách trên cổng thông tin điện tử của Bộ; chấp hành chế độ công khai tài chính về dự toán, quyết toán đối với các nguồn kinh phí theo Quyết định số 192/2004/ỌĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của Nhân dân...

Thời gian xử lý đơn giảm từ 10 ngày theo quy định xuống còn 05 ngày

Bộ đã công khai trên phương tiện đại chúng, cổng thông tin điện tử các chương trình, kế hoạch thanh tra, định hướng công tác thanh tra hàng năm; tăng cường sử dụng phiếu tự kiểm tra trực tuyến trên trang thông tin điện tử http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn nhằm công khai và nâng cao hiệu quả trong công tác tự phát hiện hành vi vi phạm; công khai quyết định thanh tra, quyết định giám sát hoạt động đoàn thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra; công khai kế hoạch tiến hành thanh tra, phân công nhiệm vụ thành viên đoàn thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra và các văn bản khác trong nội bộ đoàn thanh tra và người được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động đoàn thanh tra, đảm bảo quy định về công khai, minh bạch.

Riêng việc giám sát hoạt động đoàn thanh tra, ngoài giám sát trực tiếp, Bộ đã thiết lập hòm thư điện tử http://ykienphanlioithanhtra@molisa.gov.vn và lập phiếu nhận xét hoạt động đoàn thanh tra gửi đến 100% đối tượng thanh tra.

Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, để nâng cao hiệu quả công tác xử lý đơn, Bộ đã nâng cấp phần mềm quản lý tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo giúp giảm thời gian xử lý đơn từ 10 ngày theo quy định xuống còn 05 ngày. Đồng thời, Bộ công khai quy định về tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, lịch tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung khiếu nại, tố cáo trên trang thông tin điện tử của Bộ.

Bốc thăm lựa chọn 34 người được xác minh tài sản, thu nhập

Bộ LĐTBXH cho biết, trong giai đoạn 2012-2022, 100% người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập của Bộ LĐTBXH đã thực hiện việc kê khai. 100% các bản kê khai được công khai dưới hình thức thông báo ở bảng tin và trong cuộc họp toàn thể của đơn vị.

Năm 2021, Bộ đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của 39 người có nghĩa vụ kê khai tại 9 đơn vị thuộc Bộ. Năm 2022, Bộ LĐTBXH đã tiến hành bốc thăm lựa chọn 34 người được xác minh tài sản, thu nhập tại 10 đơn vị để triển khai thực hiện Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập của Bộ trong quý II và quý Ill năm 2022.

Nhìn chung, thời gian qua, Ban cán sự đảng Bộ và Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo sâu sát, kịp thời các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc các quy định về PCTNTC. Đồng thời, đã ban hành kế hoạch thực hiện Luật PCTN của Bộ hàng năm, trong đó tiếp tục yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tự nhận diện lĩnh vực có nguy cơ, dấu hiệu tham nhũng để phòng ngừa và tổ chức tốt việc thực hiện kế hoạch; đã xây dựng kế hoạch thanh tra của Bộ, trong đó đã lồng ghép nội dung thanh tra PCTNTC trong các cuộc thanh tra hành chính; đồng thời, thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTNTC tới toàn bộ công chức, viên chức, người lao động, đưa nội dung PCTNTC vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thuộc Bộ...

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC dù đã được quan tâm, đẩy mạnh nhưng còn chưa thường xuyên, liên tục, chưa thực sự đi sâu vào nhận thức và hành động của công chức, viên chức, người lao động.

Mặt khác, do quy định về xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai chưa thực sự chi tiết, cụ thể, dẫn đến việc xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, phát sinh một số vướng mắc. Vì vậy, Bộ đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020; ban hành mẫu quyết định, báo cáo kết quả xác minh, kết luận xác minh tài sản, thu nhập để thống nhất triển khai, áp dụng trên toàn quốc./.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra