Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 24/12 đã đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được, đồng thời làm rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó có nội dung phát hiện và xử lý tham nhũng.
Chuyển cơ quan điều tra hàng nghìn vụ việc
Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2024, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 37.032 cuộc thanh tra hành chính và 935.196 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Cùng với việc chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, qua công tác thanh tra đã kiến nghị xử lý về kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng, hàng nghìn m2 đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 12.934 tập thể và 15.873 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.714 vụ, 1.334 đối tượng.
Thông qua công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 34.589 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra đã xử lý hành chính 18.695 tổ chức, 39.730 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 119 vụ, 355 đối tượng; khởi tố 76 vụ, 159 đối tượng.
|
|
Các đại biểu chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Luật PCTN. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Đồng thời, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 78.487 tỷ đồng, 226 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.199 tổ chức, 3.225 cá nhân; kiến nghị xử lý 2.583 người (trong đó có 785 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra xử lý 123 vụ, 140 đối tượng.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước có 684 báo cáo kiểm toán có kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm được phát hiện; chuyển 51 hồ sơ sang cơ quan Điều tra của Bộ Công an.
Có thể thấy, cơ quan thanh tra và kiểm toán đã có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Qua đó, phát huy hiệu quả công tác của hai ngành, góp phần phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong đó có hành vi tham nhũng.
Thụ lý điều tra gần 3 nghìn vụ án về tham nhũng
Các Cơ quan Điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 2.990 vụ án/7.562 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 553 nghìn tỷ đồng, trên 245 nghìn m2 đất; thu hồi gần 419 nghìn tỷ đồng (đạt trên 75%), 34,8 nghìn m2 đất. Kết quả, đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 2.289 vụ án/6.220 bị can; hiện đang điều tra 497 vụ án/1.068 bị can.
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý, kiểm sát giải quyết 3.510 nguồn tin về tham nhũng, chức vụ. Đã ban hành cáo trạng truy tố 2.649 vụ/7.621 bị can. Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý, khởi tố điều trạ tổng số 130 vụ/207 bị can và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật về tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp.
|
|
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Đáng chú ý, tổng số tài sản (tạm tính) phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng là 26.156.780 triệu đồng. Thông qua hoạt động xét xử các vụ án tham nhũng, các Tòa án cấp sơ thẩm xác định có 179 vụ án với 602 bị cáo thuộc trường hợp phải thu hồi tài sản. Tòa án đã tuyên tổng số tiền, tài sản tham nhũng (được quy đổi giá trị bằng tiền) phải thu hồi là 4.572.105.353.780 đồng; có 149 vụ án với 396 bị cáo đã khắc phục hậu quả, nộp lại tiền và tài sản đã chiếm đoạt, tổng số 222.053.609.801 đồng..
Kỷ luật 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
Trong giai đoạn 2020-2024, các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCTNTC; kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút. Đồng thời, kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý.
Kết quả, có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ đánh giá, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh, có bước tiến mạnh, đột phá. Trong đó, các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian giám định, định giá tài sản; nhiều việc hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, việc thu hồi đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt, các vụ án đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, không bỏ lọt tội phạm được dư luận và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Những kết quả tích cực của công tác phát hiện, xử lý tham nhũng nêu trên đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.