Cán bộ, công chức phải chứng minh tình trạng pháp lý về tài sản, thu nhập của mình

Thứ sáu, 22/03/2024 10:50
(ThanhtraVietNam) - Quyền giải trình đối với tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thuộc đối tượng phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đó là họ có quyền chứng minh tình trạng pháp lý về tài sản, thu nhập của mình. Không ai cấm cán bộ, công chức làm giàu nhưng việc làm giàu phải chính đáng, đúng pháp luật.

Thu hồi hàng trăm triệu đồng qua thanh tra tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang

Phú Yên: Thanh tra tại huyện Sông Hinh

Giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Sở Tài chính Thanh Hóa xây dựng dự toán chưa sát thực tế

Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Thanh tra Chính phủ

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập chưa thực sự phát huy hiệu quả

Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được TSTN của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch TSTN của người đó.

Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tự kê khai các thông tin theo quy định tại mẫu Bản kê khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai. TSTN phải kê khai là TSTN thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên tại thời điểm hoàn thành Bản kê khai. Giá trị TSTN kê khai được tính bằng tiền phải trả khi mua, khi nhận chuyển nhượng, xây dựng hoặc giá trị ước tính khi được cho, tặng, thừa kế… Đây là một trong giải pháp phòng, chống tham nhũng thông việc kiểm soát TSTN của cán bộ, công chức.    

Tuy nhiên, thời gian qua, việc kiểm soát TSTN của cán bộ, công chức chưa thực sự phát huy hiệu quả. Từ đó, dẫn đến việc kê khai TSTN vẫn còn hình thức; TSTN kê khai không đầy đủ, không trung thực, còn giấu giếm, nhất là những tài sản không thể kiểm tra, xác minh như tiền mặt, vàng, trang sức… cất giấu trong nhà hoặc mở tài khoản ở nước ngoài nhưng không khai báo.  

Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm trong việc kê khai TSTN của cán bộ, công chức chưa cao. Việc phát hiện và xử lý tài sản tham nhũng thông qua việc kiểm tra, xác minh TSTN chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân là do việc quản lý, giám sát, kiểm tra, xác minh các bản kê khai TSTN chưa được thực hiện thường xuyên và đầy đủ; chế tài xử lý hành vi vi phạm trong việc kê khai TSTN còn nhẹ, chưa có tính răn đe, giáo dục.   

Hiện nay, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức cố tình kê khai TSTN không trung thực, không đầy đủ. Vì thông qua quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra của các cơ quan chức năng thì phát hiện người đó có khối tài sản “khủng” so với các bản kê khai đã nộp cho cơ quan kiểm soát TSTN trước đó. Nhiều trường hợp đã bị xử lý kỷ luật đối với hành vi kê khai TSTN không trung thực, việc này cho thấy, vẫn còn cán bộ, công chức cố tình giấu giếm tài sản bất minh của mình, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc người được giao thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Thanh tra Chính phủ tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản, thu nhập năm 2024. (Ảnh minh họa - K. Dung)

Việc che giấu tài sản tham nhũng để không phải kê khai TSTN của cán bộ, công chức có thể thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau như cất giấu trong nhà, cho người thân đứng tên quyền sở hữu tài sản; thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng thực chất là để “rửa tiền”…

Khi cán bộ, công chức nghỉ hưu hoặc nghỉ việc thì hợp thức hóa những tài sản tham nhũng đã che giấu, tẩu tán hoặc đã “rửa tiền” trong thời gian còn đương chức. Trên thực tế, một số cán bộ, công chức khi còn đương chức thì sống giản dị, khiêm tốn… nhưng khi về hưu thì lại giàu nhanh một cách bất thường và hưởng thụ cuộc sống xa hoa.

Hành vi giấu giếm tài sản đã tham nhũng là rất tinh vi, khó phát hiện và chỉ phát hiện khi tài sản đó liên quan đến một vụ án hình sự cụ thể, bằng các biện pháp nghiệp vụ điều tra chuyên sâu của lực lượng chức năng mới có thể truy tìm và thu hồi tài sản tham nhũng.

Phải tịch thu tài sản nếu không chứng minh, giải trình được nguồn gốc

Hiện nay, cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai TSTN không kê khai hoặc kê khai không trung thực mới chỉ bị xử lý về mặt Đảng, chính quyền và các tài sản liên quan đó cũng mới chỉ xử lý bằng các quan hệ pháp luật khác như về thuế (truy thu thuế thu nhập hoặc xử lý hành vi trốn thuế…). Pháp luật hiện hành chưa cho phép tịch thu đối với những tài sản bất minh mà cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai không giải trình được; không cho phép kiểm tra, xác minh tài sản đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu khi có căn cứ cho rằng việc kê khai TSTN không trung thực trong thời gian còn đương chức. Bên cạnh đó, pháp luật chỉ cho phép kiểm tra, xác minh đối với tài sản của cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai TSTN và chưa cho phép kiểm tra, xác minh TSTN đối với cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

Cán bộ, công chức nếu thuộc đối tượng phải có nghĩa vụ kê khai TSTN thì phải có trách nhiệm chứng minh, giải trình về TSTN của mình được hình thành như thế nào? TSTN đó có hình thành từ hành vi tham nhũng hay không? Đối với TSTN không chứng minh được nguồn gốc, không giải trình được quá trình hình thành TSTN (chủ quan hay khách quan) thì đều phải được xem xét đưa vào diện theo dõi, quản lý, điều tra và phải bị tịch thu sung công quỹ nhà nước nếu không chứng minh rõ nguồn gốc hình thành tài sản một cách hợp pháp.    

Nếu thực hiện quyết liệt việc này thì không có cán bộ, công chức nào dám giấu giếm hay tẩu tán tài sản của mình mà sẽ chủ động kê khai đầy đủ, trung thực về nguồn gốc hình thành TSTN của mình. Việc này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt hơn việc kiểm soát TSTN của cán bộ, công chức.

Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét để có sự điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn cho phù hợp nhằm góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng./.

Đỗ Văn Nhân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra