Cần làm gì để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng ở Lào Cai?

Thứ tư, 05/10/2022 11:27
(ThanhtraVietNam) – Đề án số 18 năm 2015, số 16 năm 2020 của Tỉnh ủy đã tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên; Thanh tra tỉnh đã phát huy vai trò cơ quan thường trực của UBND tỉnh trong phòng, chống tham nhũng ở Lào Cai. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc; cải thiện mức độ đánh giá theo bộ tiêu chí của Thanh tra Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác này, tỉnh cần giải quyết những vấn đề nào?

Thanh tra tỉnh đã phát huy vai trò cơ quan thường trực

Theo UBND tỉnh Lào Cai, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) gắn với thực hiện Đề án 18-ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng lãng phí và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên giai đoạn 2016 - 2020, Đề án 16-ĐA/TU ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh PCTN giai đoạn 2020 - 2025 đã tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên trên địa bàn.

Đặc biệt, Thanh tra tỉnh Lào Cai phát huy được vai trò là cơ quan thường trực của UBND tỉnh trong quản lý nhà nước về PCTN; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kết quả công tác trên địa bàn với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Thanh tra Chính phủ.

Đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Đề án số 18, Đề án số 16 của Tỉnh ủy; các kế hoạch thực hiện quy định về PCTN gắn với thực hiện Đề án và đề xuất, kiến nghị khắc phục sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật và quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thừa nhận, công tác này chưa đạt yêu cầu, mục tiêu ngăn chặn, thể hiện ở một số nội dung như: Tuyên truyền về PCTN, tiêu cực còn chưa sâu rộng, một số đơn vị, địa phương lãnh đạo thực hiện còn chưa quyết liệt, mang tính hình thức; phối hợp giữa các cơ quan trong tuyên truyền chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, chưa coi trọng công tác tuyên truyền.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, chưa chủ động nắm tình hình, phát hiện hành vi tham nhũng. Giai đoạn này, chỉ phát hiện được 1 vụ tham nhũng qua kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và 1 vụ phát hiện qua kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng.

leftcenterrightdel
 Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ và Thanh tra tỉnh phối hợp bốc thăm ngẫu nhiên để lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập. Ảnh: CTV Văn Hải

Nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc

UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN của địa phương, giai đoạn này xuất phát từ việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện Luật PCTN của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương còn hạn chế; chưa coi trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, chưa làm tốt công tác tuyên truyền và chưa quan tâm công tác kiểm tra nội bộ.

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của công tác PCTN, tiêu cực; nhận thức trong chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về công tác PCTN chưa đầy đủ, chưa quyết liệt. Vai trò gương mẫu của một số cán bộ, công chức chưa được phát huy.

Lực lượng công chức chuyên trách còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được đào tạo phù hợp với nhiệm vụ đang đảm nhiệm về PCTN, tiêu cực. Một số tổ chức xã hội tham gia đấu tranh PCTN, tiêu cực chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Cơ chế chính sách pháp luật về PCTN chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, chưa khuyến khích được những người làm công tác PCTN toàn tâm, toàn ý cho công việc cũng như khuyến khích người dân tham gia.

Ngoài ra, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; đối tượng tham nhũng có tính đặc thù nên việc phát hiện và xử lý khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có bản lĩnh, trình độ, năng lực, quyết tâm và tính chiến đấu cao.

7 nhóm nhiệm vụ trong thời gian tới

Để nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả, góp phần cải thiện mức độ đánh giá theo Bộ tiêu chí của Thanh tra Chính phủ về công tác này, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai xác định cần giải quyết tốt một số vấn đề sau:

Một là, tăng cường lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, đơn vị, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nghiêm các quy định của Luật PCTN và các quy định liên quan.

Hai là, chú trọng tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị để khuyến khích mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng; bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện để mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng.

Ba là, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng, phức tạp; tiến hành thanh tra, điều tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án lớn thua lỗ, kéo dài, dư luận trên địa bàn quan tâm. Xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Bốn là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền có hiệu quả với nhiều phương pháp, hình thức khác nhau đối với các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, ngành, địa phương về PCTN, tiêu cực. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, tiêu cực nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, học viên nhằm nâng cao ý thức PCTN.

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính đối với các sở, ban, ngành, các tổ chức, đơn vị, địa phương cụ thể, hiện đại, hiệu quả; chấn chỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực…Thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức.

Sáu là, thực hiện tốt kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thông qua kê khai, minh bạch tài sản hàng năm; qua thanh tra, kiểm tra PCTN, tiêu cực, các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động hơn nữa trong việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu biến động bất thường.

Bảy là, thực hiện tốt cơ chế giám sát, xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật, gắn liền với hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc trong việc thu hồi tài sản tại các vụ án tham nhũng.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra