Kon Tum:

Chú trọng nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Thứ năm, 18/05/2023 23:59
(ThanhtraVietNam) - Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu cơ quan thanh tra phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Mặt khác, xem xét kiến nghị cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản kịp thời. 

Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng

Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng quý I/2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum của UBND tỉnh cho thấy, về điều tra, truy tố vụ án tham nhũng: Cơ quan cảnh sát điều tra đã phục hồi điều tra vụ án “Tham ô tài sản”, vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tu Mơ Rông.

Đồng thời, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xét xử 2 vụ án, 2 bị cáo về tội tham nhũng (vụ án xảy ra năm 2022), gồm: Vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại UBND xã Đăk Long (nay là thị trấn Măng Đen), huyện Kon Plông; vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Nông trường 1, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Duy Tân.

Trong quý II/2023, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Mặt khác, xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm về kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thiệt hại, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.

Theo Báo cáo Kết quả công tác thi hành án dân sự, hành chính trong 6 tháng đầu năm 2023 (từ 01/10/2022 - 31/3/2023) của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Kon Tum, tổng số phải thi hành là 30 việc liên quan đến án tham nhũng, kinh tế với số tiền 1.645.265.000 đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành án là 14 việc với số tiền 1.176.724.000 đồng (chiếm 46,67% về việc); số chưa có điều kiện thi hành là 16 việc với số tiền là 468.541.000 đồng (chiếm tỷ lệ 53,33% về việc).

Kết quả, đã thi hành xong 9 việc với số tiền là 1.031.919.000 đồng, đạt tỷ lệ 64,29% về việc. Số còn phải thi hành là 21 việc với số tiền 613.346.000 đồng.

Phối hợp chặt chẽ trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng

Để đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số số 25-KH/TU ngày 06/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực và Chỉ thị số 04-CT/TW.

Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, không chờ cho đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra. Xem xét kiến nghị cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản kịp thời.

leftcenterrightdel
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu chú trọng nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. (Ảnh minh họa, nguồn internet) 

UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc thẩm quyền kiểm soát để phục vụ công tác truy tìm, thu hồi tài sản tham nhũng. Xây dựng và thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm; kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi kê khai, giải trình biến động không trung thực, tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó, kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý tài sản, thu nhập áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập; cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo yêu cầu của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân...

Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính tiếp tục tham mưu việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; xây dựng, lưu trữ và quản lý Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản địa phương; phối hợp cung cấp thông tin để phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia trong các lĩnh vực chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hoá tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo quy định của pháp luật.

Chú trọng nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo xử lý. Thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan tố tụng cấp huyện về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện các biện pháp điều tra, xác minh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, kịp thời thu hồi tài sản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Cơ quan Viện Kiểm sát kiểm sát chặt chẽ công tác kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các cơ quan tố tụng và công tác thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Qua đó kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục các thiếu sót, xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác này.

Cơ quan Tòa án thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Cơ quan Thi hành án dân sự kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án. Bảo đảm ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án chính xác, đúng pháp luật; theo dõi, xác minh định kỳ các vụ việc chưa có điều kiện thi hành án theo đúng quy định pháp luật…/.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra