Chuyển đổi vị trí công tác hàng trăm nghìn cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng

Thứ hai, 27/05/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trên nhiều mặt công tác, đáng chú ý, đã có 116.059 cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận, góp phần tạo nên kết quả tích cực của ngành Thanh tra

Hiệu quả từ việc giải quyết gần 70 nghìn vụ việc khiếu nại, tố cáo

Nghị quyết của Quốc hội - tiền đề quan trọng để Thanh tra Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu

leftcenterrightdel
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Quochoi.vn 

Báo cáo kết quả thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, Thanh tra Chính phủ cho biết hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được nâng cao.

Hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thực hiện Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, các cơ quan có chức năng đã tổ chức cho 17.333.426 lượt cán bộ, Nhân dân tham gia; xuất bản 4.511.230 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; ban hành mới 52.431 văn bản để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, sửa đổi, bổ sung 1.410 văn bản, bãi bỏ là 768 văn bản không phù hợp.

Phát hiện 423 người có hành vi liên quan đến tham nhũng

Liên quan đến công tác phòng ngừa tham nhũng, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trên các mặt về: công khai, minh bạch; xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 39.7887 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 877 đơn vị vi phạm; tiến hành 17.535 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 1.331 vụ việc vi phạm, 1.898 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 802 tỷ đồng.

Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 27.223 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 1.174 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Đáng chú ý, các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 116.059 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Có 1.528.775 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, 31.317 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập, 10 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập là 14.251 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, thanh tra kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước, các cơ quan đã phát hiện 289 vụ việc, 423 người có hành vi liên quan đến tham nhũng; 131 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 80 người.

Bên cạnh đó, ngành Thanh tra đã hoàn thành đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, năm 2022 của các địa phương; ban hành Bộ chỉ số và hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh hằng năm; xây dựng bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với bộ, ngành Trung ương làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham những, tiêu cực trên phạm vi cả nước; ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch Xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; ban hành Kế hoạch của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ và của Tổng Thanh tra Chính phủ - Thành viên Ban Chỉ đạo theo chương trình công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Thanh tra Chính phủ hằng năm; Kế hoạch luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác giai đoạn 2023-2027 của Thanh tra Chính phủ nhằm phòng ngừa tham nhũng; Kế hoạch, nghị quyết thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra bám sát nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để triển khai kế hoạch công tác. Riêng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngành Thanh tra tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương; xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với các bộ, ngành, địa phương; mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; tiếp tục xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác và chỉ đạo của Ban Chỉ dạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh...

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra