Chuyện “vặt” ở phường tôi

Thứ tư, 10/05/2023 16:06
(ThanhtraVietNam) - Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước cùng toàn dân đang đấu tranh quyết liệt trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực thì tham nhũng vặt không còn là chuyện vặt, chuyện nhỏ nữa. Chúng ta cùng nhận diện, phân tích và tìm giải pháp không để tham nhũng vặt xảy ra. Xin đề xuất khảo sát môi trường “tham nhũng vặt” ở địa bàn hành chính cấp nhỏ nhất là phường hoặc xã - nơi đầu mối tiếp xúc với người dân hiện nay.

Người nước ngoài họ nhận xét vui rằng: “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”, thật không ngoa. Bởi vì ngoài ngữ pháp thì riêng từ ngữ cũng đã rất đa dạng, phong phú rồi. Sa vào chuyện này thì dài dòng lắm, xin nói riêng ở đây 1 từ “vặt”. Đây là động từ hay tính từ nhỉ? - Cả hai!

Vặt là động từ thì có nghĩa là nhổ, tỉa, lặt những vật nhỏ như vặt lông thú, vặt quả… Còn tính từ thì có nghĩa là chuyện nhỏ, “chuyện vặt” ấy mà! Như vậy, riêng việc dùng tính từ “vặt” đã có nhiều kiểu vặt: ốm vặt, ăn vặt, mẹo vặt, tiền tiêu vặt, ăn cắp vặt, khôn vặt, hay… tham nhũng vặt để rồi thất thoát cũng… không vặt.

Chỉ mặt, đặt tên cho tham nhũng vặt ở cấp phường, xã

Tôi hiện thường trú và sinh hoạt tại Chi bộ Khu vực 2, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Xin phép Lãnh đạo Đảng ủy, UBND Phường Ngô Mây những điều tôi nêu ra trong bài viết này có thể có hoặc không xuất hiện ở phường ta, nhưng cũng là tiêu biểu cho những phường, xã khác thuộc thành phố Quy Nhơn. Mục đích chung là thấy được những việc làm khuất tất của cán bộ, đảng viên tại địa phương, việc nhỏ, việc vặt nhưng đã bay mùi tham nhũng vặt. Thấy rồi để mà tránh, để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ; hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Vâng, “tham nhũng vặt” đang diễn ra khắp nơi, thậm chí nhiều đến mức “quen mắt” và gần như không ai để ý nữa: - Làm ngơ cho xong: “Chuyện vặt ấy mà!”

Thủ phạm nổi của “tham nhũng vặt” chính là “chiếc phong bì” và “mãnh lực phong bì” đã âm thầm len lỏi vào những ngõ ngách của cuộc sống. Với tư duy “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, người ta lặng lẽ công nhận thứ quan hệ ngầm này. Thậm chí với nhiều người nó là biểu hiện của ứng xử khôn ngoan. Kỳ thực đó là “tham nhũng vặt” đang diễn ra từng ngày, từng giờ, không chỉ làm băng hoại đạo đức truyền thống mà nguy hiểm hơn là nó làm mất lòng tin của người dân với những giá trị xã hội, vào chính quyền. Tệ nạn này hủy hoại phẩm chất một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức từ cấp phường, xã và làm méo mó hình ảnh của một đất nước đang nỗ lực hội nhập với thế giới. Xin nêu một vài chuyện vặt điển hình.

Tôi tâm sự với ông bạn láng giềng: - “Mình định cải tạo, nâng 1 tầng ngôi nhà mà đi dò hỏi tiền khảo sát, tiền thẩm định, rồi tiền thiết kế, cuối cùng là giấy phép của cấp thành phố, ngót nghét mất chục triệu ông à”. - “Ôi ông lạc hậu thế. Tôi bảo đảm với ông: Chỉ phong bì 1/5 số tiền đó, các cháu ở phường nó lơ đi cho, ông làm lên mấy tầng mà chẳng được”.

Phường tôi có 1 chợ rất đông đúc vì tọa lạc trong khu dân cư lao động. UBND phường đã có những đợt ra quân dẹp hàng quán buôn gánh bán bưng xung quanh chợ để đường thông hè thoáng, văn minh sạch đẹp. Tạo công bằng về thuế với tiểu thương buôn bán bên trong. Nhưng sau đó thì đâu vào đấy, tiểu thương bán cá, bán rau, tạp hóa cứ lấn ra đường ngày càng đông. Để ý thật kỹ, hỏi thật sâu mới biết rằng chính cán bộ thu thuế phường đã “nuôi dưỡng” cho nguồn thu này. Bởi vì, họp chợ ngoài đường càng đông thì mới bội thu và tệ hại hơn là thu không cần biên lai!

Tiếp xúc với một cán bộ có chức ở phường mới rõ: - “Biết lắm chứ, thấy rồi chứ nhưng anh nghĩ xem, lương cán bộ cơ sở như bọn tôi, lại làm việc trực tiếp với dân đúng 8 tiếng. Mình phải “lơ” cho anh em họ sống, phía sau họ là cả một gia đình với những nhu cầu bức thiết hằng ngày”. UBND phường cho Khu phố 2 sử dụng ngôi nhà thuộc quản lý của phường để làm trụ sở sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Nhưng ai đó đã sáng kiến cho tư nhân thuê tầng trên của ngôi nhà để làm kho chứa hàng, khoản thu đó tích tụ vài năm đã ra một số tiền lớn. Không biết ăn chia thế nào mà lại gây thắc mắc trong đảng viên Chi bộ lại lan ra dư luận quần chúng toàn phường. Ai bảo đó là chuyện vặt?

Khi họp Chi bộ nói những điều này ra thì nghe tiếng xầm xì: “Thằng cha đảng viên già nhỏ nhen, đúng là “trâu già chẳng sợ dao phay”, ổng có lương hưu rồi muốn nói sao chẳng được”.

Mảnh đất màu mỡ của tham nhũng vặt

Như vậy, có thể hiểu “tham nhũng vặt là tham nhũng nhỏ, giá trị vật chất, của hối lộ không lớn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đất sống của nó bắt nguồn từ tư tưởng của một số cấp lãnh đạo những nơi xảy ra hành vi này coi nhẹ ảnh hưởng của nó, cho rằng được bồi dưỡng ít tiền để anh em cải thiện đời sống trong đó có mình, “máy móc còn phải “bôi trơn” mới hoạt động tốt được mà”.

Mặt khác, do cơ chế quản lý, đánh giá cán bộ còn nhiều hạn chế, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đã chỉ ra và đó cũng là một điều kiện để tình trạng “tham nhũng vặt” tồn tại. Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát không nghiêm, mang tính hình thức lại kéo dài 3 năm, 5 năm mới thanh tra, kiểm tra 1 lần, phát hiện được rồi lại xử lý “giơ cao đánh khẽ”: Kiểm điểm rút kinh nghiệm, khiển trách, cảnh cáo… nên không có tính chất răn đe, ngăn ngừa, hạn chế được tệ “tham nhũng vặt” mà tạo cơ hội cho chúng có cơ hội sinh sôi nảy nở nhanh hơn.

leftcenterrightdel
UBND TP Quy Nhơn kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan tới Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Bình Định. (Ảnh: Văn Thuận)  

Tham nhũng vặt nhưng hậu quả… không vặt

Không nên “vơ đũa cả nắm” bởi vì “một con sâu” khó có thể “làm rầu nồi canh”. Nhưng khi có quá nhiều con sâu, tỉ lệ sâu trong nồi canh đã lên đến mức báo động thì “tham nhũng vặt” đâu còn là chuyện vặt nữa.

Chỉ xin nêu 1 trường hợp, 1 địa phương cụ thể để từ đó nhìn rộng ra cả nước: Ngày 8/7/2022, Thanh tra tỉnh Bình Định đã ban hành Kết luận thanh tra số 462/KL-TTT về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý tài chính - ngân sách và quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố Quy Nhơn giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020.

Thành phố Quy Nhơn có 20/21 xã, phường vi phạm thanh toán sai cho các đơn vị thi công công trình do UBND phường làm chủ đầu tư, chi phụ cấp công vụ cho cán bộ hợp đồng không đúng quy định, kê khai thiếu thuế. Với tổng số tiền phải thu hồi lên đến 2,1 tỷ đồng. Rõ ràng, tham nhũng và tham nhũng vặt nhưng tích lũy nhiều cái vặt thì hậu quả không vặt chút nào.

Thật đau xót khi phải nêu ra những cái tên, những con số buồn như vậy. Nhưng biết là đau xót nhưng phải cắt bỏ những chỗ u nhọt để cơ thể khỏe mạnh. Phải kiên quyết, bằng bản lĩnh của người đảng viên, phải nói, phải đối mặt với thực tế đó để đấu tranh, từ đó mới tìm được thuốc chữa trị cho căn bệnh trầm kha này.

Tìm giải pháp “vặt” tệ tham nhũng vặt ra khỏi cấp phường, xã

Như vậy, tham nhũng, tiêu cực nói chung và tham nhũng vặt gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tham nhũng vặt được xem như sự vô cảm, “sự thờ ơ chính trị”. Cái xấu, cái ác, cái vô đạo đức… đang diễn ra âm thầm, ngấm dần vào mạch máu và giết chết tế bào của xã hội. Phải quyết liệt, quyết liệt và quyết liệt hơn nữa bằng hành động thực tế, toàn đảng, toàn dân chung sức đồng lòng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng với mọi giải pháp thiết thực hiệu quả nhất, theo cách Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất: “Nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”:

Trước tiên là xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng đủ năng lực, có phẩm chất trong sáng. Cần kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng những cán bộ có biểu hiện hư hỏng, tham nhũng. “Chân mình thì lấm tèm hem. Lại đi đốt đuốc mà xem chân người”.

Thực hiện tinh thần quán triệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp lần thứ XXII Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tháng 8/2022 vừa qua: “Làm cho không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không cần tham nhũng.” Muốn vậy, điều trước tiên là phải cải cách ngay chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ cơ sở xã, phường đủ sống. Đi đôi với đó là sắp xếp biên chế tổ chức cán bộ cơ sở với những chức danh thực tế có thể kiêm nhiệm được nhiều việc thì quỹ lương mới có tác dụng. Năm 2023, cả nước thực hiện chuyển đổi số: Chính quyền số, kinh tế số, và quản lý số, do đó việc cải cách hành chính tại phường, xã gắn liền với công khai, minh bạch các thủ tục phục vụ dân sẽ xóa đi những kẻ hở trong quản lý thủ tục hành chính, tình trạng hối lộ, lót tay - con đẻ của tham nhũng vặt chắc chắn sẽ không còn đất sống.

Đồng thời, chú trọng khắc phục việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Duy trì hòm thư phát hiện của công dân, đối chiếu thực tế tài sản với bản kê tài sản của cán bộ công chức nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, như: Thuế vụ, kinh tế, nhà đất, tài nguyên môi trường… Các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, “tham nhũng vặt” nói riêng. 

Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh với tệ nạn bè cánh, ô dù, lợi ích nhóm góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng nội dung họp chi bộ, gắn trách nhiệm đảng viên với phong trào chống tham nhũng của thôn, tổ dân phố, của phường, xã.

Cuộc đấu tranh này được xác định là trường kỳ, gian khổ, quyết liệt và không kém phần cam go đòi hỏi sự hy sinh, dũng cảm nhưng với sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân, những đảng viên như chúng ta quyết giành thắng lợi.

Tướng Văn Thuận
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra