Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ đã quy định khá đầy đủ về kiểm soát tài sản thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ cũng hướng dẫn cụ thể về kiểm soát, trong đó nêu rõ về đối tượng, trình tự, nội dung kê khai tài sản thu nhập.
Tại Hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm về nghiệp vụ công tác kê khai tài sản thu nhập và kiểm soát tài sản thu nhập tổ chức hồi tháng 5/2024 tại Điện Biên, Thanh tra 7 tỉnh biên giới miền núi phía bắc thuộc Cụm thi đua số IV của Thanh tra Chính phủ (gồm: Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng) cùng thống nhất rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các văn bản triển khai quy định chi tiết hướng dẫn liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh được triển khai kịp thời với nhiều giải pháp cụ thể đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao Thanh tra các tỉnh này đã tăng cường, chủ động tham mưu, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong kiểm soát tài sản thu nhập; đã quan tâm tổ chức, phối hợp, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác kê khai, kiểm soát; thường xuyên hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tổ chức thực hiện công tác kê khai, công khai theo quy định; tổ chức tiếp nhận, quản lý, lưu trữ bản kê khai; thực hiện kiểm soát bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng, đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục.
|
|
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Điện Biên |
Cũng như các địa phương khác, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thanh tra các tỉnh Điện Biên đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện như: Kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh; kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập; kế hoạch về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn; kế hoạch thanh tra... với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu để thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, khi tiến hành thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh này đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong kê khai tài sản thu nhập.
Theo đó, năm 2021 số người phải kê khai tài sản, thu nhập tại Sở này và các đơn vị trực thuộc là 107, số người đã kê khai là 110; năm 2022 số người phải kê khai là 45 người, đã kê khai là 45; năm 2023 số người phải kê khai là 46, số người đã kê khai là 48.
Qua thanh tra, phát hiện, năm 2021 xác định sai 3 trường hợp kê khai lần đầu; năm 2022 xác định sai 1 trường hợp kê khai lần đầu và kê khai hằng năm; năm 2023 xác định sai 2 trường hợp kê khai lần đầu.
Bên cạnh đó, một số bản kê khai chưa đảm bảo về trình tự, nội dung theo hướng dẫn tại Phụ lục I Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ như: Kê khai thiếu nội dung, sai mẫu 12 trường hợp; không chính xác 43 trường hợp; không giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, giải trình biến động tài sản không chính xác, chưa giải trình rõ biến động tài sản có 18 trường hợp; hoàn thành bản kê khai chậm 5 trường hợp kê khai lần đầu.
Ngoài ra, thời gian niêm yết công khai bản kê khai muộn, báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác kê khai tài sản chậm so với kế hoạch xảy ra tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp; Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và điều dưỡng người có công với cách mạng còn không lập sổ theo dõi giao nhận bản kê khai.
Theo Thanh tra tỉnh Điện Biên, tồn tại, hạn chế trên bắt nguồn từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Giám đốc Sở chưa được quan tâm, sâu sát, thường xuyên; thủ trưởng một số phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc chưa làm tròn trách nhiệm, tham mưu chưa đầy đủ, kịp thời; việc nghiên cứu cập nhật các quy định về phòng, chống tham nhũng của người đứng đầu các phòng chuyên môn, đơn vị và công chức, viên chức được giao nhiệm vụ chưa bám sát các văn bản hướng dẫn, quy định của pháp luật.
Từ đó, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội cần quán triệt và triển khai thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế./.