Ưu điểm của công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập tại Nghệ An có thể được chỉ ra như: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành rà soát, lập danh sách những người có nghĩa vụ kê khai; tổ chức kê khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đặc biệt là khâu rà soát hình thức bản kê khai để bảo đảm kê khai đúng mẫu, đúng hướng dẫn. UBND tỉnh và các Sở, ngành, UBND cấp huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức và các đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập về công tác kê khai, công khai bản kê khai tài sản thu nhập năm 2022 theo quy định. Việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cá nhân chủ yếu thông qua tại các cuộc họp hàng tháng, lồng ghép trong các kỳ sinh hoạt của các chi bộ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các cá nhân có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đã chủ động thực hiện, nghiên cứu các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Vướng mắc, bất cập, hạn chế
Mặc dù vậy, tại địa phương vẫn còn tồn tại những vướng mắc, bất cập, hạn chế nhất định như: Công tác quán triệt, tuyên truyền các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập ở một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến việc thực hiện chưa đảm bảo quy định. Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản hiện nay vẫn còn mang tính hình thức, vẫn còn một bộ phận lớn cán bộ, công chức không nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn, các văn bản pháp luật về kê khai, kiểm soát kê khai, thu nhập nên khi kê khai còn chưa đúng theo mẫu quy định, do đó làm cho việc kê khai phải thực hiện lại nhiều lần, gây chậm trễ trong việc nhận các bản kê khai khi nạp về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Việc xác định đối tượng kê khai hàng năm còn không thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Cụ thể: một số đối tượng ở các đơn vị sự nghiệp, UBND cấp huyện, cấp xã như: Hiệu trưởng, Hiệu phó các Trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Kế toán các đơn vị sự nghiệp, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã …
Việc xác định đối tượng kê khai theo hình thức kê khai bổ sung (Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, trừ những đối tượng đã kê khai hằng năm - theo Khoản 2 Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018) là hoàn toàn do người kê khai tự nguyện kê khai, phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của người kê khai, không thể do bộ phận tổ chức kê khai tự xác định, cho nên tính chính xác, đầy đủ trong việc lập danh sách kê khai bổ sung và thực hiện kê khai không cao.
Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó xác định các cơ quan Đảng cấp huyện kiểm soát tài sản thu nhập của những người thuộc diện quản lý. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định Thanh tra tỉnh kiểm soát bản kê khai của toàn bộ cơ quan, đơn vị thuộc khối chính quyền của tỉnh (bao gồm cả cấp tỉnh, huyện). Do đó, Thanh tra tỉnh phải tiếp nhận một khối lượng bản kiểm soát kê khai quá lớn, gây khó khăn trong quá trình tiếp nhận, quản lý và xác minh bản kê khai.
Biểu mẫu kê khai tài sản theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không phân biệt được tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng và con, nên gây khó khăn cho việc xác minh tính trung thực.
Thêm nữa, Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, có nhiều huyện miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, với số lượng đối tượng thuộc diện kê khai lớn nên việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập còn nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện về kê khai tài sản, thu nhập; trong việc giao nộp bản kê khai. Một số đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc xác định đối tượng phải kê khai.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP không quy định về bộ phận chủ trì, phối hợp trong việc triển khai kê khai, công khai, tiếp nhận bản kê khai ở các đơn vị, địa phương, nhất là đơn vị cấp sở, ngành, huyện (giữa bộ phận Tổ chức và Thanh tra) nên còn không thống nhất trong việc triển khai thực hiện.
Việc xác minh tài sản, thu nhập còn nhiều khó khăn, vướng mắc do có nhiều loại tài sản không thể xác minh, do cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước như Ngân hàng, Doanh nghiệp có liên quan... chưa chặt chẽ, chưa có quy định rõ ràng; Các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập chưa được đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về công tác xác minh tài sản, thu nhập nên khi thực hiện xác minh tài sản, thu nhập còn nhiều lúng túng.
Mẫu kê khai tài sản, thu nhập đã quy định khá cụ thể và rộng về các loại tài sản như đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh, tranh, ảnh, các loại tài sản khác… có giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên thuộc diện bắt buộc phải kê khai. Tuy nhiên, việc xác định giá trị đối với từng loại tài sản kể trên còn gặp khó khăn; nhiều loại tài sản khi giao dịch không có hóa đơn. Do đó, cơ quan có thẩm quyền không thể xác minh giá trị đối với các loại tài sản này.
Nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các giao dịch về tài sản, kiểm soát thu nhập còn hạn chế; hệ thống cơ chế, chính sách về kê khai, minh bạch thu nhập chưa đồng bộ, bất cập với thực tế, thay đổi liên tục dẫn đến việc thực hiện kê khai, kiểm soát kê khai còn lúng túng; một số quy định chưa rõ ràng, còn khó khăn khi triển khai thực hiện trong thực tế, trong đó có việc xác định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm; các quy định về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực chưa thật sự cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra, do việc sử dụng từ ngữ trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2021 có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau…
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan còn có các nguyên nhân chủ quan dẫn đến những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập tại Nghệ An. Đó là, ở một số cơ quan, đơn vị người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập, vẫn còn một số nơi việc thực hiện, chấp hành các quy định về kê khai tài sản chưa nghiêm túc, còn mang tính hình thức. Một bộ phận cán bộ, công chức xem nhẹ việc kê khai, tài sản thu nhập, thực hiện kê khai mang tính hình thức hoặc thực hiện không đúng quy định về kê khai tài sản, thu nhập..
Giải pháp, kinh nghiệm
Để chủ động khắc phục những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập trong thời gian qua, thời gian tới, Nghệ An cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, phổ biến các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác kê khai, kiểm soát tài sản thu nhập để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc kê khai. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng nghiệp vụ về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kiểm soát tài sản thu nhập; tăng cường kiểm tra xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai theo kế hoạch hằng năm; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai, kiểm soát tài sản thu nhập.
Kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, Nghệ An đề nghị Thanh tra Chính phủ nhanh chóng xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước để thuận tiện cho việc tổng hợp, quản lý, đối chiếu, kiểm tra xác minh biến động tài sản, thu nhập của cá nhân trong thời gian dài.
Thứ hai, hàng năm, đề nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức tổng kết để đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, kinh nghiệm của các địa phương trong quá trình thực hiện; đồng thời mở các lớp tập huấn về kiểm soát tài sản thu nhập cho các cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó, chú trọng đến tập huấn, hướng dẫn phương pháp để xác minh tài sản, thu nhập.
Thứ ba, việc có thêm quy định mới trong việc thực hiện xác minh tài sản, thu nhập hàng năm, để giải quyết vấn đề này, cấp có thẩm quyền cần xem xét, có quy định mới để phù hợp với các quy định của pháp luật về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập./.