Triển khai hàng loạt các nhiệm vụ trọng tâm
Thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, hàng năm, Kiểm toán nhà nước đã ban hành Kế hoạch về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của ngành và Kế hoạch của Tổng Kiểm toán nhà nước - Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo toàn Ngành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của Kiểm toán nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong thực thi công vụ; tập trung kiểm toán các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định của pháp luật; tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiện vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán...
|
|
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: Chinhphu.vn |
Cùng với đó, Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị có liên quan để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán và phòng chống tham nhũng, tiêu cực như: Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ; Quyết định số 10/2023/QĐ-KTNN ngày 05/7/2023 về quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Ban hành Chuẩn mực đạo đức kiểm toán viên nhà nước; Quy tắc ứng xử kiểm toán viên nhà nước; các quy trình kiểm toán; các quy định về lập thẩm định phát hành kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán; quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; ban hành kế hoạch số 202/KH-BCS ngày 30/11/2023 của Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước thực hiện Quyết định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán...
Đáng chú ý, Kiểm toán nhà nước đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ ngành; tăng cường các cuộc thanh tra công vụ, kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất các cuộc kiểm toán; đồng thời triển khai đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từ việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, kê khai thu nhập, tài sản của công chức và trong công tác cán bộ theo quy định.
Kiểm toán nhà nước cũng chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Hàng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành kế hoạch về tuyên truyền pháp luật năm, chỉ đạo các đơn vị truyền thông của Kiểm toán nhà nước tích cực cập nhật, đưa tin, bài về các hoạt động của Kiểm toán nhà nước, công khai kế hoạch kiểm toán, các kết quả kiểm toán nổi bật, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, năng lực và đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ công chức, viên chức của Kiểm toán nhà nước.
Tóm lại, Kiểm toán nhà nước đã triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đề ra; triển khai kịp thời đến các đơn vị toàn Ngành; làm tốt công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước; nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là vai trò của thủ trưởng đơn vị ở từng cấp quản lý trong hoạt động kiểm toán nhằm tăng cường phát hiện và ngăn chặn tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
|
|
Ảnh minh họa toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV. Nguồn: Chinhphu.vn |
Giải pháp tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán
Để tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục quán triệt và yêu cầu toàn bộ công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, tập trung quán triệt Chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước về tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán hàng năm; Chỉ thị số 62-CT/BCSĐ ngày 25/5/2022 của Ban Cán sự đảng về thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 27/4/2022.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, yêu cầu công chức, viên chức và người lao động nâng cao hơn nữa việc giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ; giữ gìn uy tín, hình ảnh và lòng tự tôn nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”; thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất Kiểm toán viên nhà nước “tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ”.
Đặc biệt, cần quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động, việc thực hiện quy tắc ứng xử, bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; lựa chọn, bố trí những công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác, nhất là vị trí Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phạm vi, giới hạn kiểm toán; xử lý nghiêm trường hợp kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu ngoài phạm vi, giới hạn theo kế hoạch kiểm toán và kế hoạch kiểm tra, đối chiếu được duyệt; việc kiểm tra, đối chiếu phải tuân thủ đúng quy định tại Quyết định số 155/QĐ-KTNN ngày 18/02/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước, quy định về việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và các quy định của Kiểm toán nhà nước.
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu: Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán có trách nhiệm quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm toán của Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên, thành viên Đoàn kiểm toán nhà nước tham gia hoạt động kiểm toán, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán nhà nước nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý.
K. Dung