Đắk Lắk: Đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng về phòng, chống tham nhũng

Thứ tư, 13/09/2023 16:00
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều nhiệm vụ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, trong đó thực hiện 26 cuộc thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu sai phạm và chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Triển khai 26 cuộc thanh tra, chuyển 04 vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra

Trong 26 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thì có 17 cuộc được triển khai trong kỳ, còn lại 09 cuộc quý IV năm 2022 chuyển sang. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã kết thúc và ban hành kết luận 14 cuộc, đang tiếp tục triển khai 12 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện 04 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đã lập hồ sơ chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk giải quyết theo quy định. 04 vụ việc nói trên cụ thể là:

(1) Vụ vi phạm về công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thực hiện Dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tại UBND thành phố Buôn Ma Thuột. Các hành vi vi phạm đã được kết luận, kiến nghị xử lý tại Kết luận thanh tra số 41/KL-TTr ngày 30/10/2018, đã được Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất và chỉ đạo thực hiện tại Công văn số 10116/UBND-NC ngày 16/11/2018 với tổng số tiền sai phạm 4.685.930.000 đồng, gồm các hành vi: Hợp thức hóa hồ sơ đền bù để được hỗ trợ với tổng số tiền là 2.657.974.500 đồng); do hồ sơ không đủ điều kiện để được hỗ trợ với tổng số tiền là 2.027.956.000đồng nhưng đến hết năm 2021 không khắc phục được.

(2) Vụ vi phạm về công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất và đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện Dự án đường vành đai phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột tại UBND thành phố Buôn Ma Thuột: Các hành vi vi phạm đã được kết luận, kiến nghị xử lý tại Kết luận thanh tra số 08/KL-TTr ngày 26/8/2019, đã được Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất và chỉ đạo thực hiện tại Công văn số 7608/UBND-NC ngày 18/9/2019 với tổng số tiền sai phạm 4.328.269.775đồng, gồm các hành vi: Sai phạm trong công tác bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất với tổng số tiền là 3.608.925.775 đồng; sai phạm trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản với tổng số tiền là 719.344.000 đồng và sai phạm trong việc giao đất tái định cư không đúng đối tượng cho 07 hộ dân nhưng đến hết năm 2021 không khắc phục được.

(3) Vụ vi phạm về công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thực hiện Dự án Nghĩa trang nhân dân xã Cư Suê, huyện Cư M’gar tại UBND huyện Cư M’gar, cụ thể: Bồi thường bằng đất không có cùng mục đích sử dụng (Sử dụng đất thương mại dịch vụ, đất giao thông, đất nghĩa trang nhân dân để bồi thường cho việc thu hồi đất nông nghiệp (trồng cây lâu năm); vi phạm khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013. Việc làm trên có dấu hiệu của việc gây thất thoát tài sản của Nhà nước với tổng số tiền là 2.201.538.000 đồng; có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

(4) Vụ vi phạm về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk (CDC Đắk Lắk) gồm 04 gói thầu: Gói thầu mua sinh phẩm xét nghiệm, thiết bị và vật tư y tế tiêu hao, giá trúng thầu 187 triệu đồng; Gói thầu mua, thay thế, sửa chữa Tủ an toàn sinh học các loại phục vụ xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, giá trúng thầu 370,02 triệu đồng; Gói thầu mua, sắm Tủ đông âm sâu 86o phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19, giá trúng thầu 147,2 triệu đồng; Gói thầu Mua sắm 14.000 test xét nghiệm nhanh kháng nguyên SAR-CoV-2, giá trúng thầu 1,89 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, qua hoạt động điều tra, cơ quan chức năng phát hiện 10 vụ việc/25 đối tượng có dấu hiệu hành vi tham nhũng với tổng số tiền số tiền 1,193 tỉ đồng, thu hồi 1,057 tỉ đồng; đang tiếp tục điều tra 07 vụ/19 bị can.

Mặc dù triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên, tại Đắk Lắk, công tác này vẫn còn những hạn chế tồn tại. Cụ thể như sau: Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 đã được UBND tỉnh triển khai đến các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức doanh nghiệp khu vực nhà nước, ngoài nhà nước nhưng một số tổ chức, đơn vị chưa thực hiện báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống tham nhũng; hàng năm chưa xây dựng kế hoạch thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng của thủ trưởng các tổ chức chính trị - xã hội và các công ty đại chúng do chủ tịch UBND tỉnh thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 56 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ. Ngoài ra, công tác phòng, chống tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt; kết quả của công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế.

Quyết liệt nhiều giải pháp

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, trong thời gian tới, Đắk Lắk đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Triển khai xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của 48 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm tại 13 Sở, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước theo kết quả bốc thăm ngày 05/5/2023 của Thanh tra tỉnh.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ triển khai đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đối với UBND cấp huyện, thị xã, thành phố năm 2022 theo nội dung Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 06/3/2023 của UBND tỉnh nhằm đánh giá đúng thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước và kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Chủ tịch UBND cấp huyện trong năm 2022, làm cơ sở để quán triệt các địa phương thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm tiếp theo.

Tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 17/5/2023 về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đa dạng bằng nhiều hình thức về hoạt động cải cách hành chính. Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; đồng thời bảo vệ, phát huy nhân tố tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tiêu cực được phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN; kịp thời khắc phục những bất cập, tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: Quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ; quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện; phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án tham nhũng phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát đối với việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng nói chung và trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nói riêng; đề cao vai trò giám sát của Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra