Tăng cường sự đồng thuận trong xã hội
Theo đó, trong năm 2022, tình hình Nhân dân cơ bản ổn định, yên tâm, tin tưởng và phấn khởi trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Nhân dân vui mừng, phấn khởi, đồng tình và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ước cả năm đạt khoảng 8%; các cơ sở sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch đã trở lại hoạt động bình thường và có hướng phát triển, khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh, đời sống Nhân dân được quan tâm và tiếp tục được cải thiện, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội…
Bên cạnh đó, Nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về tình hình dịch bệnh Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ tái lây nhiễm trên diện rộng; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga-Ukraina kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế, tài chính, chứng khoán, bất động sản; tình trạng người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm thu nhập gia tăng; mất an toàn thực phẩm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu. Tình hình vi phạm pháp luật có nhiều diễn biến phức tạp... đã tác động tiêu cực đến tâm trạng chung của các tầng lớp Nhân dân.
Trong số các vấn đề mà Nhân dân quan tâm, phản ánh, báo cáo cho biết nhân dân quan tâm nhiều đến đời sống, sản xuất, kinh doanh hiện nay còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, Nhân dân cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan có có giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; việc lạm thu các khoản “tự nguyện” vẫn còn xảy ra vào đầu mỗi năm học; thống nhất việc sử dụng sách giáo khoa, chương trình học.
Đáng chú ý, Nhân dân lo lắng trước tình trạng thất nghiệp của nhiều công nhân, lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các đia phương, nhất là vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới, đơn hàng giảm, các công ty không ký được các đơn hàng chủ yếu ở các nước Châu Âu và Mỹ nên phải thu hẹp sản xuất, tạm hoãn hợp đồng, hoặc đưa ra lộ trình không tiếp tục ký kết hợp đồng lao động đối với những người lao động hết hạn hợp đồng. Đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời quan tâm hỗ trợ đối với công nhân, người lao động bị thất nghiệp.
|
|
Cử tri cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý sớm các vụ án tham nhũng lớn mà dư luận quan tâm (Ảnh: TU.TPHCM) |
Tin tưởng vào sự quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Nhân dân tiếp tục quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao và tin tưởng vào sự quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong các vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án “đưa và nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật” ở một số tập đoàn như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ việc trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác... Đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp, người đứng đầu trong các dự án lớn gây thua lỗ, thất thoát tài sản của nhà nước và thông tin công khai cho người dân biết, thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng; giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Về tình hình trật tự an toàn xã hội, Nhân dân bức xúc trước tình trạng các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua internet và các trang mạng xã hội, với phương thức: giả mạo các cơ quan, tổ chức như Công an, Viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng; tạo lập website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo; hoặc thông qua việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội, làm quen và gửi quà có giá trị cao, số tiền lớn từ nước ngoài về Việt Nam... Đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi bằng công nghệ cao của các đối tượng thông qua internet, điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Nhân dân quan tâm và tỏ ra lo lắng trước tình trạng nhiều người bị lừa bán ra nước ngoài, bị bóc lột sức lao động vì tin vào lời hứa đi "làm việc nhẹ, lương cao"; các đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia và lừa đảo đưa người lao động vào cơ sở kinh doanh, sản xuất giữa rừng sâu, khu vực hẻo lánh, ít người hoặc casino, sòng bài "trá hình"…