Hà Nội: Đẩy mạnh nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Thứ hai, 29/07/2024 19:39
(ThanhtraVietNam) – Trong những tháng cuối năm 2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được UBND Thành phố Hà Nội xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm và quan trọng, bám sát và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, giải pháp về PCTN, tiêu cực (TC), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Thành ủy và Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC.

Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN phong phú

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành của Trung ương và Thành phố, được các đơn vị triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền pháp luật được mở rộng, in và phát các tờ gấp giới thiệu các quy định của pháp luật về PCTN. Tuyên truyền tại các buổi họp giao ban trực tuyến tại các đơn vị, trên đài phát thanh địa phương, trên Cổng giao tiếp điện tử của Thành phố và Trang thông tin nội bộ của các đơn vị, cùng với các hội nghị tuyên truyền và tọa đàm chuyên đề về PCTN, được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị trên địa bàn Thành phố đã tổ chức 66 cuộc tuyên truyền pháp luật về PCTN với khoảng 12.870 lượt người tham gia. Qua đó, nhận thức và hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân về công tác PCTN đã được nâng cao rõ rệt.

Đẩy mạnh công khai, minh bạch các chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc

UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh công khai, minh bạch các chính sách, quy trình và thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách thủ tục hành chính. Việc công khai quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán và phân cấp nguồn thu cũng được chú trọng. Trong nội bộ các cơ quan, tổ chức và đơn vị, việc công khai hoạt động tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ cơ bản đã đi vào nề nếp.

Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan đã triển khai kiểm tra 334 cơ quan, tổ chức và đơn vị về việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong kỳ báo cáo chưa phát hiện đơn vị vi phạm.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính

Trên cơ sở kết quả kiểm tra công vụ năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND ngày 22/12/2023 về kiểm tra công vụ năm 2024 nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân của các cơ quan, đơn vị nhà nước.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND và Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 30/01/2024 thành lập Đoàn kiểm tra công vụ. Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố đã có Văn bản số 385/ĐKTCV ngày 05/02/2024 đôn đốc và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra công vụ.

leftcenterrightdel
 Hà Nội nhìn từ trên cao

Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn

Việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn chủ yếu diễn ra ở các đơn vị có quy mô lớ; khối quận, huyện, thị xã tập trung vào các chức danh nghề nghiệp viên chức, công chức hành chính, công chức cấp xã làm công việc kế toán, địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán, kế toán và viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý tại các trường học.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng hợp từ các cơ quan, đơn vị cho thấy có 48 trường hợp đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, trong đó có 26 công chức, 13 viên chức và 09 công chức xã.

Tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp

Nhìn chung, xác định công tác PCTN và THTKCLP là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch công tác PCTN năm 2024, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa như tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật, thường xuyên thanh tra và kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN và THTKCLP đã có những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Kết quả công tác PCTN và THTKCLP về cơ bản được người dân đồng tình ủng hộ và được đánh giá khách quan qua những tiến bộ vượt bậc trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).

Tuy nhiên, công tác xây dựng chương trình kế hoạch về PCTN và THTKCLP hàng năm tại một số cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, CLP cụ thể và chưa chủ động trong việc xây dựng các giải pháp triển khai công tác PCTN, THTKCLP trong lĩnh vực, phạm vi được giao quản lý.

Hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn trong việc sử dụng kinh phí NSNN, vốn và tài sản nhà nước vẫn chưa sát với thực tế, dẫn đến việc chấp hành chưa nghiêm và gây lãng phí. Một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng sơ hở trong quản lý để vụ lợi, và một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCTN. Tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, và việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế.

Nhiệm vụ và giải pháp PCTN và THTKCLP trong 6 tháng cuối năm 2024 được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề ra bao gồm việc tiếp tục thực hiện Chương trình công tác số 10-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về nâng cao hiệu quả công tác PCTN và THTKCLP giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện Luật PCTN và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc và vụ án tham nhũng, gắn công tác PCTN với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTN,TC trong công tác cán bộ cũng như các quy định khác của Bộ Chính trị sẽ tiếp tục được thực hiện để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng và tiêu cực.

Các giải pháp về PCTN sẽ được triển khai đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng và lãng phí. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nhất là triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; đảm bảo công khai minh bạch giúp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và pháp luật trên các lĩnh vực như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng, quản lý tài chính và mua sắm tài sản công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh...

 

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra