Hậu Giang: Chủ động, quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ năm, 12/12/2024 06:00
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm tham nhũng được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang quan tâm triển khai với nhiều giải pháp, qua đó thể hiện tinh thần đấu tranh quyết liệt, đã được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống.

Phát hiện, xử lý nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực

Theo UBND tỉnh, năm 2024, công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng tại Hậu Giang được thực hiện trên nhiều mặt công tác. Bên cạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, báo cáo kê khai tài sản, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thì công tác điều tra, truy tố, xét xử cũng được thực hiện nghiêm.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thanh tra các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai 12 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đến nay qua thanh tra, chưa phát hiện hành vi tham nhũng. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 110 cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng. Về minh bạch tài sản, thu nhập, toàn tỉnh có 60 cơ quan, đơn vị phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập với 2.226 bản kê khai và đã thực hiện công khai 100% theo quy định.

Đặc biệt, việc tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm hạn chế xảy ra tham nhũng được 36 đơn vị sở, ngành tỉnh, 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 75/75 xã, phường, thị trấn thực hiện, đảm bảo kết nối liên thông phần mềm từ tỉnh đến cấp xã. Việc chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức thông qua hệ thống ATM đạt 100%.

Qua công tác thanh tra hành chính, ngành thanh tra đã chuyển cơ quan công an 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng tại Bảo tàng tỉnh, dự án siêu thị và khu đa chức năng phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ và tại Trường Tiểu học Phương Bình 2.

Theo UBND tỉnh, đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, toàn tỉnh hiện có 14 vụ việc với 25 đối tượng. Trong đó, cơ quan điều tra các cấp đang thụ lý 3 vụ/4 bị can, viện kiểm sát thụ lý 2 vụ/3 bị can, tòa án đang thụ lý 6 vụ/14 bị can, đã xét xử 3 vụ/4 bị cáo.

leftcenterrightdel
Cơ quan chức năng tống đạt các quyết định tố tụng đối với bị can Lê Phước Nhàn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hậu Giang.

Điển hình, vụ Lê Phước Nhàn, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và cấp dưới phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ Võ Minh Luân, nguyên Phó Trưởng Công an xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, thực hiện sai quy trình, hiệu chỉnh trên hệ thống phần mềm đăng ký để lấy ra các biển số đẹp cấp cho người quen, người thân nhằm mục đích vụ lợi. 

Vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ xảy ra tại Cụm dân cư vượt lũ thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cụ thể đã bình xét, cấp nền không đúng diện đối tượng cho 69 trường hợp tại dự án Cụm dân cư vượt lũ thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, làm trái quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền là 7,3 tỉ đồng (đã thu hồi được 810 triệu đồng). Đến nay, các vụ án trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân tỉnh để xét xử theo luật định.

Chủ động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực

Theo dự báo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, do tác động của nền kinh tế thị trường và sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát nên tình hình tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thời gian tới vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn ở các lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu, đấu giá, việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công, việc quản lý và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

Do đó, năm 2025, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, qua đó tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; tập trung vào những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí như tài chính - ngân sách, mua sắm công, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng,... Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải tiến phương pháp hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. 

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; mở rộng ứng dụng khoa học trong quản lý; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Tuyết Nhung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra