Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, hội nghị được tổ chức nhằm quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên những nội dung cốt lõi trong các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư và nguyên tắc kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tỉnh nhà trong tình hình mới.
Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc
Theo Bí thư Tỉnh ủy, tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư ra mắt dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tác phẩm đã tuyển chọn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư. Tác phẩm không chỉ thể hiện rõ tư duy lý luận, nhận thức sâu sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn khẳng định sự quan tâm sâu sắc, quyết tâm của Đảng và Tổng Bí thư đối với những nhiệm vụ trọng yếu của Đảng để xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong.
|
|
Quang cảnh hội nghị (ảnh:xaydungdang) |
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được biên soạn rất công phu, kỹ lưỡng, qua nhiều bước với quy trình chặt chẽ, bài bản, khoa học, dày trên 600 trang, được trình bày theo phong cách báo chí, hiện đại, chia thành 3 phần: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”; “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, phần thứ ba với nội dung “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Giới thiệu những nội dung căn bản và cốt lõi của cuốn sách, tiến sĩ Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước. Kết quả đó khẳng định quyết tâm nhất quán của Đảng, trong đó vai trò chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết, kiên trì của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cuốn sách ra đời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo với nhiều cách làm sáng tạo, khoa học, bài bản, chắc chắn; nhiều quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định, phát huy hiệu quả trên thực tế…
Tiến sĩ Nguyễn Thái Học khái quát 5 giá trị cốt lõi và 8 bài học kinh nghiệm trong nội dung cuốn sách. Trong đó giá trị nổi bật là cuốn sách trở thành “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; phản ánh sinh động cuộc đời hoạt động cách mạng vô tư, trong sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi còn trẻ đến cương vị người đứng đầu Đảng ta, tấm gương mẫu mực, giản dị, nói đi đôi với làm, hết lòng vì nước, vì dân; giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế hiểu rõ bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; trang bị cơ sở lý luận và thực tiễn để phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; củng cố niềm tin, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Kiên định và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Triển khai chuyên đề “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng để nắm vững và xử lý tốt quan hệ giữa kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay cần phải quán triệt tốt các yêu cầu:
Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở kiên định bản chất khoa học, cách mạng vốn có, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, không hoang mang, dao động, mất phương hướng. Đồng thời, cần tránh khuynh hướng nhân danh “kiên định” để ngại đổi mới, không dám bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo, rơi vào bảo thủ, trì trệ, giáo điều, không thấy được những đổi thay của thực tiễn, sự phát triển của khoa học - công nghệ. Ngược lại, cũng cần tránh khuynh hướng nhân danh “đổi mới, bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo” để xét lại, xuyên tạc, bổ sung một cách vô nguyên tắc, phủ định sạch trơn bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, trên cơ sở kiên định lập trường, quan điểm, thái độ, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để khẳng định những nội dung, nguyên lý nào của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị; những nội dung nào đã bị thực tiễn vượt qua và cần phải bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo. Làm được như vậy có nghĩa là đã nắm vững và xử lý tốt quan hệ giữa kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nắm vững và quán triệt tốt các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như nguyên tắc khách quan, phát triển, toàn diện, lịch sử - cụ thể, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn vào nhận thức, nắm vững và xử lý quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nguyên tắc khách quan yêu cầu nhận thức, giải quyết mối quan hệ theo quy luật khách quan, không áp đặt chủ quan, không giải quyết tùy tiện. Nguyên tắc phát triển đòi hỏi khi giải quyết các mối quan hệ phải chú ý tới quy luật phát triển, tránh bảo thủ, trì trệ, ngại bổ sung. Nguyên tắc toàn diện yêu cầu phải chú ý cả “kiên định”, cả “bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo”, không tuyệt đối hóa mặt nào. Nguyên tắc lịch sử - cụ thể đòi hỏi phải căn cứ vào tình hình thực tế để giải quyết quan hệ này. Vì vậy, có lúc, có thời điểm phải nhấn mạnh “kiên định”, có lúc, có thời điểm phải chú ý nhiều hơn đến “bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo”. Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải tổng kết thực tiễn, rút ra các bài học cho việc nhận thức, điều chỉnh việc xử lý các mối quan hệ; lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của việc xử lý mối quan hệ giữa “kiên định”, và “bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo”.
Quán triệt tốt các yêu cầu trên thì việc nhận thức, nắm vững và giải quyết giữa kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ hiệu quả.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến, để việc học tập, nghiên cứu tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư đạt kết quả cao nhất, trong thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 169 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Đồng thời, tổ chức triển khai sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm đưa các nội dung tác phẩm thấm sâu đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo ý chí thống nhất về nhận thức và hành động theo phương châm: “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Ông Trần Văn Huyến cũng yêu cầu phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xem đây là một trong những trọng tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, lấy kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những cơ sở để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền và phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu./.