Hiểu để không “ngáo” khi nhà báo chống tham nhũng

Thứ năm, 20/06/2024 14:56
(ThanhtraVietNam) - Khuyến nghị này không chỉ dành cho các phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí mà hy vọng có thể giúp ích ít nhiều cho bộ phận truyền thông tại doanh nghiệp, người được giao phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các tổ chức hành chính…nhất là những thông tin liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thiếu sự phối hợp giữa các bên

Hồi đầu năm nay, trên Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, tác giả Thiện Văn mượn câu chuyện ngụ ngôn “Con cáo và cái bóng” để nói về triệu chứng “ngáo quyền lực” (1).

Theo đó, “ngáo quyền lực” biểu hiện ở một số đặc điểm sau: Coi mình như “cái rốn của vũ trụ” nên lúc nào cũng dương dương tự đắc; đi đâu, ở chỗ nào cũng tỏ ra mình là “người quan trọng”; tìm mọi cách khuếch trương về vị thế, năng lực bản thân; tự nghĩ rằng lời nói nào của mình cũng đúng, cử chỉ nào của mình cũng hay, việc làm nào của mình cũng đáng được tung hô, sản phẩm nào cũng mình làm ra cũng đáng được đón nhận; trong khi bản thân lại thiếu sự lắng nghe, đồng cảm, tôn trọng ý kiến người khác.

Tác giả cho rằng, mỗi người cần phải nhận thức rõ vị trí, khả năng, thực lực của bản thân trong cuộc sống và nếu ai quan trọng hóa, cường điệu hóa, ảo tưởng hóa về bản thân thì đó là mầm mống thất bại, có thể dẫn tới kết cục cay đắng.

leftcenterrightdel
Nội dung câu chuyện ""Con cáo và cái bóng". Ảnh chụp màn hình

Ngay từ năm 2010, khi công bố một kết quả nghiên cứu về vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, Viện Khoa học thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ (nay là Viện Chiến lược và khoa học thanh tra) đã chỉ ra một số hạn chế trong lĩnh vực này như sau:

Một là, có hiện tượng phản ánh chưa chính xác, chắp vá, thiếu hệ thống, thiếu khách quan, thậm chí sai lệch. Có trường hợp đưa ra những nhận định vượt quá phạm vi của báo chí như bình luận và phán quyết các nội dung vụ việc khiến dư luận hiểu sai bản chất sự việc, xâm phạm vào chức năng của các cơ quan tư pháp hoặc làm lộ thông tin, ảnh hưởng, thậm chí vô hiệu hóa công tác điều tra chống tham nhũng.

Hai là, có hiện tượng cản trở tác nghiệp, đe dọa, hành hung, trả thù nhà báo đưa tin về vụ việc tham nhũng, tiêu cực khiến một số nhà báo chùn tay trong việc, phản ánh, đưa tin.

Ba là, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với báo chí và các phương tiện truyền thông trong việc tiếp cận và phổ biến thông tin trong phòng, chống tham nhũng.

Bốn là, có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân còn e ngại khi cung cấp thông tin cho báo chí khiến nhà báo gặp khó khăn khi tiếp cận các thông tin về tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, bên cạnh đội ngũ nhà báo có tâm huyết, tài năng còn có một bộ phận chưa được trang bị vững vàng cả về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trong đó có việc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật về báo chí, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hiện nay, những vấn đề trên có thể thay đổi theo các chiều hướng khác nhau, tuy nhiên, có không ít phóng viên trẻ và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí hiểu chưa đúng, chưa đủ vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để không mắc bệnh “ngáo quyền lực” hoặc vướng vào những tồn tại, hạn chế nêu trên, cùng tham khảo một số quy định được nêu trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Báo chí… để hiểu thêm về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan.

Nhà nước khuyến khích và bảo hộ

Dù có nhiều cách hiểu khác nhau về tham nhũng nhưng nhìn chung đều thống nhất rằng, đây là hành vi của người có chức, có quyền; có sự lợi dụng, lạm dụng quyền hành được giao và có động cơ vụ lợi nhằm thu lợi bất chính.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên chính thức từ 19/8/2009, sự tham gia của xã hội vào phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng được tăng cường thông qua một số biện pháp như: Đảm bảo cho công chúng được tiếp cận thông tin một cách hiệu quả; tổ chức các hoạt động thông tin cho công chúng góp phần đấu tranh không khoan nhượng chống tham nhũng; tôn trọng, tăng cường và bảo vệ quyền tự do tìm kiếm, nhận, xuất bản và tuyên truyền thông tin về tham nhũng…

Ở Việt Nam, vai trò và trách nhiệm của báo chí được ghi nhận tại Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 như sau:

Một là, Nhà nước khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Hai là, cơ quan báo chí có trách nhiệm biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh đối với những người có hành vi tham nhũng; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Ba là, cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bốn là, cơ quan báo chí, phóng viên phải đưa tin trung thực, khách quan. Tổng biên tập, phóng viên chịu trách nhiệm về việc đưa tin và chấp hành pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Đồ họa: Thái Minh 

Luật Báo chí năm 2016 quy định, nhà báo có các quyền được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn.

Để bảo vệ người cung cấp thông tin, Luật quy định, cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc Điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, Luật Báo chí tiếp tục quy định báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Đồng thời, phải thực hiện trách nhiệm đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân bằng việc đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh của công dân; trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.

Cùng với các quy định của Luật Báo chí, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tiếp tục tạo thêm hành lang pháp lý để cơ quan báo chí, nhà báo khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn và dấn thân vào con đường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, cơ quan thông tin, truyền thông và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn.

Khi quy định về trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, Luật nêu rõ, cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng.

Phản ánh khách quan, trung thực, chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng là trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 đã đánh giá, công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đổi mới, tăng cường; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn.

Theo Kết luận số 12-KL/TW 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; gắn bó chặt chẽ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm phát huy hơn nữa vai trò báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Gần đây nhất, ngày 11/10/2023, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, nhóm nhiệm vụ nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục nhấn mạnh vai trò của báo chí, cụ thể:

Thứ nhất, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ việc được dư luận quan tâm cho các cơ quan báo chí để tuyên truyền kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

Thứ hai, phát hiện và nhân rộng nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, sáng kiến, cách làm hay trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

Thứ ba, tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của báo chí trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(1): https://tuyengiao.vn/ngao-quyen-luc-153126

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra