Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng

Thứ ba, 21/03/2023 15:26
(ThanhtraVietNam) - Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN) phải được thực hiện trong cả hai khu vực công và tư; phải tiếp cận kiểm soát quyền lực theo hướng chủ thể kiểm soát luôn có thể là đối tượng bị kiểm soát; phải tiếp cận các cơ chế kiểm soát hiện có bao gồm cơ chế kiểm soát của Đảng, cơ chế kiểm soát của nhà nước và cơ chế kiểm soát của xã hội...

Làm sáng tỏ các triết lý, tư tưởng, quan điểm về PCTN, kiểm soát quyền lực và kiểm soát quyền lực nhằm PCTN

Đó là một trong những nội dung quan trọng được tập trung làm rõ tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN” phục vụ cho Đề tài độc lập cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam” do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để làm sáng tỏ các triết lý, tư tưởng, quan điểm về PCTN, kiểm soát quyền lực và kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; đánh giá thực trạng nghiên cứu lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Hội thảo được tổ chức công khai, dân chủ, với các ý kiến đa chiều.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu sẽ tổng hợp và bình luận về các triết lý, tư tưởng, quan điểm trong và ngoài nước về tham nhũng, PCTN, kiểm soát quyền lực và kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; đánh giá được thực trạng nghiên cứu lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong lịch sử Việt Nam; mô hình, kinh nghiệm nước ngoài về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN.

Hội thảo được tổ chức gồm 2 phiên, phiên thứ nhất với nội dung “Tiếp cận khung lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”, và phiên thứ hai “Tiếp cận chính sách và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”, xem kẽ là các thảo luận và hỏi đáp của chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đại diện lãnh đạo của các cơ quan Trung ương tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Văn phát biểu dẫn đề Hội thảo. Ảnh: Hà Tuấn

Ở phiên thứ nhất, TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT, Chủ nhiệm Đề tài; PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trưởng Khoa Luật Hiến pháp và Luật hành chính, Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội và TS Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra đồng chủ trì, sẽ cùng điều hành, thảo luận các nội dung: Giới hạn quyền lực nhà nước - một phương thức kiểm soát quan trọng quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Kiểm soát quyền lập quy của Chính phủ và Chính quyền địa phương – một số vấn đề nhận thức luận; Kiểm soát quyền lực nhà nước là nền tảng của PCTN và là vấn đề cơ bản của hiến pháp mỗi quốc gia; Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong tố tụng hình sự.

Sau đó ở phiên thứ hai, TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT, Chủ nhiệm Đề tài; PGS.TS Vũ Công Giao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người, quyền công dân, Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội và TS Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra đồng chủ trì, sẽ cùng điều hành, thảo luận các nội dung: Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN qua công tác nội chính của Đảng; Bàn về “tiền kiểm” và “hậu kiểm” văn bản quy phạm pháp luật để PCTN, tiêu cực; Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong kiểm soát tham; Một số giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát quyền hành pháp thông qua giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính.

Tiếp cận kiểm soát quyền lực theo hướng chủ thể kiểm soát luôn có thể là đối tượng bị kiểm soát

Với mong muốn khi nghiên cứu nội dung “Cơ sở lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN” phải đạt được 02 mục tiêu cụ thể: (i) Làm rõ các triết lý, tư tưởng, quan niệm về quyền lực, kiểm soát quyền lực và kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; (ii) Làm rõ các đặc trưng lý thuyết của kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong thể chế chính trị Việt Nam. Hội thảo sẽ tập trung làm rõ những vấn đề lý thuyết như:

Tiếp cận khung lý thuyết chung về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN một cách chính xác, hệ thống và toàn diện. Theo đó, có thể bắt đầu từ các lý thuyết về nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến đến các nguyên tắc cơ bản của quản trị tốt hay các nguyên tắc cơ bản của quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhằm kiểm soát quyền lực và phòng, chống rủi ro tham nhũng, đến các nguyên tắc chính trị, pháp lý, đạo đức cụ thể khác.. hay không? Cũng như làm rõ các quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lên nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN”. Ảnh: Hà Tuấn

Tiếp đó, làm rõ các đặc trưng lý thuyết của kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong thể chế chính trị Việt Nam. Cũng như nhận dạng về thực tiễn vận hành của các cơ chế, thiết chế, phương thức kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam (trong các lĩnh vực QLNN; trong kiểm soát các thiết chế nhà nước...) trong thời gian qua, thông qua đó, có một sự định danh, quy nạp mang tính lý thuyết, để có thể làm cơ sở xây dựng các tiêu chí đánh giá thực trạng và đề xuất quan điểm, giải pháp phù hợp, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm PCTN thời gian tới.

Đồng thời, Hội thảo sẽ cùng chia sẻ, thống nhất nhận thức khi tiếp cận phạm vi kiểm soát quyền lực nhằm PCTN phải được thực hiện trong trong cả hai khu vực công và tư; phải tiếp cận kiểm soát quyền lực theo hướng chủ thể kiểm soát luôn có thể là đối tượng bị kiểm soát; phải tiếp cận các cơ chế kiểm soát hiện có bao gồm cơ chế kiểm soát của Đảng, cơ chế kiểm soát của nhà nước và cơ chế kiểm soát của xã hội; phải tiếp cận các phương thức kiểm soát bên trong - bên ngoài hệ thống; kiểm soát cứng - kiểm soát mềm; tiền kiểm - hậu kiểm; kiểm soát quyền trong ban hành chính sách và quyền trong thực thi chính sách; kiểm soát bằng công nghệ 4.0.

Trên cơ sở các ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý,... nhằm thống nhất xây dựng một khái niệm mang tính từ khóa, đó là khái niệm “kiểm soát quyền lực” phù hợp với thực tiễn Việt Nam, và đưa ra nội hàm của khái niệm kiểm soát quyền lực theo nghĩa hẹp có thể hàm chứa trong đó các phương thức hiện có như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát, điều tra, giám sát...

Ngoài ra, Hội thảo cũng sẽ giúp định vị nghiên cứu trong hệ thống các công trình nghiên cứu và các chính sách có liên quan. Cùng với lựa chọn và xác định “lát cắt” nghiên cứu phù hợp cũng như giới hạn phạm vi nghiên cứu, xác định trọng tâm nghiên cứu và tiếp cận về nội dung và hình thức về sản phẩm đầu ra của Đề tài.

leftcenterrightdel
Ông Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra phát biểu bế mạc tại Hội thảo. Ảnh: Hà Tuấn 

Bế mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra Đào Trung Kiên chia sẻ, sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, Hội thảo đã hoàn thành chương trình đề ra. Các đại biểu đã thực sự phát huy dân chủ, trí tuệ và thảo luận sôi nổi với rất nhiều lượt ý kiến tâm huyết, sâu sắc liên quan đến các vấn đề lý thuyết, pháp lý và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN.

Qua đó, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự chia sẻ đầy tinh thần trách nhiệm đối với công cuộc PCTN ở Việt Nam (qua những vấn đề hết sức quan trọng như: Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN đáp ứng yêu cầu xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam và theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; kiểm soát quyền ban hành văn bản QPPL của Quốc hội và HĐND nhằm PCTN; Kiểm soát việc thực hiện quyền lập quy của Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm PCTN; KSQL nhằm PCTN trong các lĩnh vực QLNN; quan điểm và giải pháp định hướng nâng cao hiệu quả KSQL nhằm PCTN ở Việt Nam…).

Ban Tổ chức Hội thảo và Ban Chủ nhiệm Đề tài xin trân trọng tiếp thu tối đa ý kiến của các quý vị đại biểu tại Hội thảo hôm nay. “Chúng tôi chắc chắn rằng những thông tin – kết quả phong phú và hết sức giá trị do Hội thảo mang lại không chỉ trực tiếp phục vụ việc nghiên cứu Đề tài, mà còn là nguồn tư liệu hết sức quý báu phục vụ công tác truyền thông của ngành Thanh tra và phục vụ các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, hoạch định chính sách về KSQL nhằm PCTN phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn đất nước”, ông Đào Trung Kiên nhấn mạnh./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra