Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là nơi diễn ra Hội thảo quốc tế về nâng cao năng lực thu hồi tài sản trong hai ngày 25 và 26/11. Ông Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam; bà Sharon H.Yuan, Tham tán và Trưởng đoàn đàm phán IPEF, Hoa Kỳ; ông Ryan McKean, Giám đốc INL Việt Nam; bà Annika Wythes, Giám đốc Trung tâm phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á, UNODC cùng chủ trì Hội thảo.
Sự kiện này đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), với sự tham gia của đại diện các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế và chuyên gia đến từ nhiều quốc gia.
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, nhấn mạnh, tham nhũng là một hiện tượng tiêu cực toàn cầu, gây ra những tổn hại nặng nề đến nguồn lực công, cản trở phát triển bền vững và làm xói mòn lòng tin của người dân vào pháp luật. Việc thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt là tài sản bị chuyển ra nước ngoài, là một trong những yêu cầu quan trọng trong xử lý tham tại Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam khẳng định.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, ông Dương Quốc Huy, chỉ ra rằng thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt là tài sản ở nước ngoài, là một quá trình phức tạp. Ông cũng cho biết, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế pháp luật, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định liên quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của UNCAC.
|
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, ông Dương Quốc Huy phát biểu tại Hội thảo. |
Cụ thể, trong quá trình chuẩn bị phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã rà soát, phân tích, đánh giá và đưa ra các kế hoạch cụ thể về hoàn thiện thể chế cho phù hợp với các yêu cầu của Công ước; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện các cam kết và nâng cao mức độ tuân thủ các quy định của Công ước.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về Công ước và chuẩn bị năng lực cho đội ngũ chuyên gia, công chức tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của Công ước. Nhiều nội dung của UNCAC đã được thể chế hóa vào trong các quy định pháp luật của Việt Nam như Luật Phòng, chống tham nhũng và pháp luật hình sự.
Các cơ quan của Việt Nam vẫn tiếp tục có những nghiên cứu nhằm làm rõ cơ sở pháp lý và thực tiễn của việc thực hiện có hiệu quả các quy định của Công ước. Việc nghiên cứu bao gồm cả đánh giá các yêu cầu, quy định và khuyến nghị của UNCAC đối với Việt Nam về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản và thực tiễn của Việt Nam.
Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia và là nội dung rất khó khăn trên thực tiễn do nằm ngoài lãnh thổ, khác biệt về hệ thống pháp luật. Các kết quả nghiên cứu, bao gồm cả kết quả của Hội thảo này, có ý nghĩa tích cực cho việc hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao năng lực hợp tác thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới của Việt Nam.
Ngoài ra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh vai trò của minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc xử lý tài sản thu hồi được. Theo ông, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quốc tế sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo tài sản thu hồi được sử dụng một cách minh bạch và có lợi cho quốc gia bị ảnh hưởng.
|
|
Hội thảo là dịp để khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. |
Hội thảo quốc tế về nâng cao năng lực thu hồi tài sản: Diễn đàn chia sẻ và học hỏi quốc tế
Hội thảo tập trung vào việc nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực thu hồi tài sản, với các nội dung chính như:
Tăng cường hiểu biết về UNCAC: Hội thảo giới thiệu các quy định liên quan đến thu hồi và trả lại tài sản trong UNCAC, nhấn mạnh nghĩa vụ hợp tác quốc tế để đảm bảo hiệu quả của việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các tài sản có nguồn gốc tham nhũng.
Khung pháp lý và cơ chế thực thi: Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và áp dụng các khung pháp lý hiệu quả nhằm truy tìm, phong tỏa, tịch thu tài sản thông qua các thủ tục tố tụng hình sự và phi hình sự.
Ngăn chặn chuyển dịch tài sản: Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các quy định về minh bạch tài chính và kê khai tài sản đối với các quan chức nhà nước, nhằm ngăn chặn hoạt động chuyển dịch tài sản bất hợp pháp.
Hợp tác quốc tế: Một trong những nội dung được thảo luận sâu rộng là việc loại bỏ các “nơi trú ẩn an toàn” cho tài sản tham nhũng thông qua hợp tác quốc tế. Đồng thời, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc hoàn trả và xử lý tài sản thu được từ tội phạm, bao gồm tìm hiểu sự tham gia của các tổ chức và thiết chế khu vực ngoài nhà nước trong quá trình này, cũng như các thông lệ tốt về xử lý tài sản thu được theo cách có lợi cho các quốc gia bị ảnh hưởng.
|
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. |
Hội thảo lần này không chỉ là cơ hội để Việt Nam học hỏi từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, mà còn là dịp để khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. Kết quả nghiên cứu và thảo luận từ hội thảo sẽ đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam.
Có thể khẳng định, Hội thảo quốc tế tại Hạ Long không chỉ là một diễn đàn quan trọng, mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội không tham nhũng, đồng thời thể hiện tinh thần hợp tác và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong công cuộc chống lại vấn nạn này.