Thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024, sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đã làm việc với Bộ Tài chính để kiểm tra, theo dõi việc thực hiện pháp luật về PCTN.
Báo cáo với Tổ công tác, Bộ Tài chính khẳng định đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc triển khai, thực hiện đẩy đủ, kịp thời, đồng bộ công tác PCTN theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, phát hiện, xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng được triển khai mạnh mẽ và đạt kết quả tốt như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý tài chính, ngân sách; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý, nhất là trong lĩnh vực Thuế, Hải quan.
Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Tài chính cũng như thanh tra hành chính, kiểm tra, kiểm soát nội bộ được tăng cường. Qua đó, đã ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của công chức ngành Tài chính khi thi hành công vụ, nhiệm vụ.
Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, công tác PCTN của Bộ Tài chính đã có chuyển biến tích cực trong hành động, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính và đã thu được kết quả quan trọng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
|
|
Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ do Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Nguyễn Văn Cảnh cùng đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp làm việc với Bộ Tài chính ngày 14/11/2024. Ảnh: Thái Minh |
Một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN cũng được đại diện Bộ Tài chính chia sẻ như sau:
Một là, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực; nhiều bộ phận, công chức thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp nên công tác quản lý, giám sát công chức trong thi hành công vụ có những khó khăn, phức tạp.
Hai là, việc thu hồi tiền thuế trong các vụ án hình sự về trốn thuế còn gặp khó khăn, do có nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức bị truy thu, xử phạt về thuế không còn tài sản để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành.
Ba là, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng và các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên chưa thật sự rõ ràng; quy định còn chung chung mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chủ trì, phối hợp bảo vệ người tố cáo.
Bốn là, phương thức thanh toán điện tử hạn chế dùng tiền mặt trong xã hội mới chỉ dừng lại ở phạm vi bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong các quy định của luật Thuế mà chưa có sự khuyến khích việc thanh toán qua ngân hàng trong tiêu dùng của các cá nhân nên việc kiểm soát phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.
Năm là, các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập còn vướng mắc về trình tự, thủ tục giải trình, xác minh, biến động thu nhập phát sinh sau thời điểm kê khai đối với khoản thu nhập từ lãi suất tiết kiệm, lãi suất trái phiếu, cổ tức; việc xác định các chức danh “tương đương” chưa có văn bản hướng dẫn gây khó khăn cho việc xác định đối tượng phải kê khai như các phòng, ban, đội ở Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan…
|
|
Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Thanh Bình cùng đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Kế hoạch tài chính, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ Tài chính làm việc với Tổ công tác. Ảnh: Thái Minh |
Ngoài kiến nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, Bộ Tài chính cũng nêu các kiến nghị về công tác tổ chức thi hành pháp luật về PCTN như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương và các đơn vị ngành dọc thuộc Trung ương quản lý trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; xác định rõ cơ chế quản lý, cơ chế chịu trách nhiệm và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy đảng, cơ quan, tổ cức đơn vị.
Thứ hai, thực hiện rà soát cơ chế, chính sách, chú trọng phát hiện những sơ hở, bất cập trong thể chế, chính sách, pháp luật để kiển nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo rủi ro để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để thu hồi tiền, tài sản bị vi phạm, tham nhũng cho ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách.