Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 là quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Mục đích của việc kiểm soát TSTN là để biết rõ TSTN, biến động về TSTN, nguồn gốc TSTN tăng thêm của người kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng. Qua đó, phục vụ công tác quản lý cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.
Thực tiễn thi hành biện pháp kiểm soát TSTN thời gian qua theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP cho thấy những vướng mắc, bất cập, nhất là việc thực hiện việc kê khai và xác minh TSTN.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song công tác kiểm soát, kê khai TSTN tại Bộ Công Thương cũng không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn, vướng mắc đó. Cụ thể:
Một là, về lựa chọn người có nghĩa vụ phải kê khai TSTN
Việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh thực hiện hằng năm theo kế hoạch. Trong đó, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ quan kiểm soát TSTN tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình; số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị.
|
|
Bộ Công Thương bốc thăm lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2024. (Ảnh: Bộ Công Thương) |
Bình quân hằng năm, Bộ Công Thương có hơn 6.500 công chức, viên chức thuộc đối tượng kê khai TSTN hàng năm. Nhiều địa phương có số lượng người thuộc diện phải xác minh ngẫu nhiên rất lớn. Như vậy, Bộ Công Thương cho rằng, số người phải xác minh hàng năm sẽ gây quá tải cho cơ quan kiểm soát TSTN trong bối cảnh hạn hẹp về tổ chức, biên chế, nguồn lực, đồng thời vẫn phải đảm nhiệm đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ khác. Mặt khác, quy định này có thể làm cho việc xác minh bị kéo dài hoặc trở nên hình thức, kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm soát TSTN.
Hai là, việc kê khai một số TSTN trong bản kê khai
Thực tế cho thấy, bản thân người trong diện kê khai còn lúng túng khi phải tự định giá một số tài sản trước đây không phải kê khai; khó xác định loại tài sản để thực hiện kê khai; việc xác định như thế nào là quyền sử dụng thực tế đối với đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất phức tạp. Hơn nữa, việc xác định giá trị còn có cách hiểu khác nhau nên khi thể hiện trong bản kê khai tài sản thiếu sự thống nhất; việc chỉ kê khai về TSTN, không kê khai về tiền vay gây khó khăn trong quản lý kê khai của người kê khai. Trường hợp vợ chồng ly thân hoặc độc lập tài chính gây khó khăn cho người kê khai khi phải kê khai TSTN của vợ (chồng);...
Ba là, về kê khai TSTN thực hiện kê khai lần đầu, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ
Công chức, viên chức trong một năm công tác phải thực hiện nhiều lần về công tác kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ (quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, hoặc làm hồ sơ tham gia cấp ủy các cấp…). Do đó, để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, Bộ Công Thương cho rằng, nên hợp nhất kê khai TSTN hằng năm và phục vụ công tác cán bộ. Công chức, viên chức khi thực hiện công tác cán bộ sử dụng bản kê khai tài sản thu, nhập hằng năm để phục vụ công tác cán bộ.
Bốn là, nhiều thông tin khó thu thập để xác minh
Từ thực tiễn công tác triển khai xác minh TSTN, Bộ Công Thương cho biết, chưa có hướng dẫn cụ thể về những đơn vị cần thu thập thông tin để phục vụ xác minh và trách nhiệm cụ thể của các đơn vị này trong việc cung cấp thông tin xác minh. Hiện nay, chưa đủ cơ sở pháp lý yêu cầu cơ quan ngân hàng hay cơ quan kiểm soát trái phiếu, cổ phiếu để phục vụ việc thu thập thông tin về tiền gửi, trái phiếu, cổ phiếu, vốn góp của các cá nhân được xác minh.
Chưa có hướng dẫn cụ thể người được xác minh cần cung cấp những hồ sơ, tài liệu minh chứng phục vụ xác minh (ví dụ: Có cần cung cấp sao kê chi tiết giao dịch ngân hàng hay không).
Tại một số Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương đề nghị cung cấp thông tin phục vụ xác minh là các phương tiện đăng ký nhưng chỉ cung cấp thông tin tra cứu đối với phương tiện ô tô, không cung cấp thông tin tra cứu đối với các loại phương tiện có đăng ký khác. Văn phòng Đăng ký đất đai chỉ cung cấp thông tin của một số huyện thuộc tỉnh.
Liên quan đến vấn đề Thuế, ngày 05/10/2023, Tổng cục Thuế có Công văn số 4416/TCT-DNNCN về việc cung cấp thông tin người được xác minh năm 2023 của Bộ Công Thương có nêu: “Hiện nay, Tổng cục Thuế chưa nhận được hướng dẫn cụ thể từ Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Tài chính về vấn đề này” và không cung cấp các thông tin liên quan phục vụ hoạt động xác minh TSTN.
Các cá nhân được xác minh TSTN có Chứng minh thư, Căn cước công dân mẫu cũ, Căn cước công dân mẫu mới dẫn đến thông tin đăng ký về phương tiện, nhà ở, ngân hàng, thuế… chưa đồng nhất, gây khó khăn trong việc tra cứu thông tin.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, nhiều nội dung trong bản kê khai TSTN không có cơ sở xác minh, thu thập thông tin. Đó là vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên: Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tài sản khác (đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh, tranh, ảnh, các loại tài sản khác); tài sản ở nước ngoài; tài khoản ở nước ngoài.
Đối với thu nhập từ việc kinh doanh khác như tư vấn cá nhân, môi giới, kinh doanh đất đai, buôn bán nhỏ lẻ,… thiếu cơ sở để xác minh cũng như quy định về hồ sơ quyết toán thuế đối với các khoản thu nhập này (đặc biệt là thu nhập của vợ, chồng là tiểu thương, hộ kinh doanh, môi giới đất đai).
Thiếu cơ sở và thiếu pháp lý, quy định để thực hiện xác minh nguồn gốc đối với tiền được cho, cho vay, thừa kế từ đối tượng thứ 3 như bố mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè (chưa có thẩm quyền về xác minh nguồn gốc thu nhập đối với đối tượng thứ 3).
Mặt khác, Bộ Công Thương cho rằng, khó xác định trong các trường hợp như nhờ đứng tên hộ tài sản, sử dụng tài sản của người thứ 3 để khẳng định về tính sở hữu cũng như nguồn gốc của các tài sản này; khó xác định và thiếu cơ sở để khẳng định tính chính xác đối với nhà ở xây mới (tự xây); khó xác minh trong trường hợp người được xác minh sở hữu nhiều khu đất ở nhiều địa phương khác nhau.
Ngoài ra, thông tin xác minh (của cơ quan, ban, ngành cung cấp) và bản kê khai của một số cá nhân có sự chênh lệch do việc mua bán đã hoàn thành nhưng người mua chưa thực hiện thay đổi thông tin tài sản theo quy định (xe máy, ô tô, đất ở); thiếu cơ sở để xác định giá trị tài sản của người được xác minh đang sử dụng, sở hữu khi không có hợp đồng, hóa đơn mua bán. Khó xác minh và thiếu cơ sở để xác minh thông tin đối với các TSTN mà người kê khai không kê khai hoặc vợ (hoặc chồng) của người kê khai không cung cấp cho người kê khai; những tài sản đã mua, bán nhưng chưa làm thủ tục đăng ký chính chủ theo quy định. Chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện kết luận về tính trung thực của việc kê khai và giải trình.
(còn nữa)