Kiểm toán Nhà nước ban hành quy trình Kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Thứ năm, 25/05/2023 15:23
(ThanhtraVietNam) - Nhằm tăng cường phát hiện, xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán nhà nước, Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định pháp luật khác có liên quan, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Từ đó, làm căn cứ để tổ chức thực hiện các bước công việc khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 07/2003/QĐ-KTNN quy định quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cũng là để bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán.

Kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

Theo Quyết định, các trường hợp kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là: (1) Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung của Kiểm toán nhà nước; (2) Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung; (3) Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được tiếp nhận liên quan đến một cuộc kiểm toán đang trong quá trình thực hiện kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tách thành một cuộc kiểm toán khác.

leftcenterrightdel
Quy trình kiểm toán các vụ việc tham nhũng gồm có 3 bước 

Trong quá trình thực hiện các cuộc kiểm toán theo quy định trên phát hiện các bằng chứng kiểm toán nghi ngờ dấu hiệu tham nhũng, tội phạm, ngoài việc thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định tại Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước thì Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán phải thực hiện các bước quy định tại Quy trình này.

Theo đó, Đoàn kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán cần nâng cao trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động, tích cực phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tội phạm; xử lý kịp thời, hiệu quả các thông tin phản ánh, tố cáo sai phạm, tham nhũng, tố giác về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tố giác tội phạm.

Đồng thời, tổ chức tiến hành các công việc theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Quy trình này. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc ghi chép, tập hợp đầy đủ kết quả kiểm toán cụ thể của từng bước công việc vào hồ sơ kiểm toán; tăng cường ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, kỹ thuật công nghệ cao; thực hiện bảo mật thông tin theo quy định.

Cần xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Theo Điều 14 của Quyết định, Tổ trưởng Tổ kiểm toán có trách nhiệm lập Kế hoạch xác minh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trình Trưởng Đoàn kiểm toán xem xét, phê duyệt; gửi Kế hoạch xác minh được duyệt cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để theo dõi, chỉ đạo. Kế hoạch xác minh phải nêu rõ: Nội dung, đối tượng, đơn vị (cá nhân) được xác minh, phương pháp, thời gian, địa điểm làm việc và Kiểm toán viên nhà nước thực hiện.

Từ đó, Kiểm toán viên nhà nước tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Kết quả xác minh phải được lập thành biên bản.Đồng thời, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán chỉ đạo công tác xác minh, kiểm tra, soát xét trình tự, thủ tục xác minh và kết quả xác minh.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc xác minh, Trưởng Đoàn kiểm toán phải có Báo cáo kết quả xác minh, gửi Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Hội đồng và Tổng Kiểm toán nhà nước.

Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Theo quy trình, Hội đồng tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định tại Điều 62 Luật Phòng, chống tham nhũng, như sau:

Một là, trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Hai là, trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Kiểm toán nhà nước.

Ba là, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) ký gửi các cơ quan theo quy định.

Bốn là, kết thúc cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán.

Qua đó, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Việc công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện theo quy định của Kiểm toán nhà nước về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán./.

QA
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra