Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ do ông Nguyễn Văn Cảnh - Cục trưởng Cục IV; ông Ngô Văn Khương - Phó Cục trưởng Cục III; ông Chu Đức Thắng - Vụ Phó Vụ Pháp chế cùng các Thành viên Tổ công tác tham dự.
Về phía UBND Thành phố Hồ Chí Minh có ông Trần Văn Bảy – Chánh Thanh tra Thành phố; đại diện Ban Nội chính, UBKT Thành ủy, Viện Kiểm sát, Toà án, Công An Thành phố cùng một số sở, ngành có liên quan cùng tham dự.
|
|
Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy đang trao đổi tại buổi làm việc (Ảnh: TT) |
Theo báo cáo của UBND Thành phố, sau hơn 05 năm thi hành, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã từng bước tạo ra môi trường công vụ ngày càng công khai, minh bạch; tăng cường sự tham gia giám sát của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ ngày càng chặt chẽ hơn; việc xử lý người có hành vi tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản tham nhũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả.
Bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn; công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
|
|
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: TT) |
UBND Thành phố Hồ Chí Minh xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm.
Đồng thời, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ; xây dựng các văn bản, quy định theo thẩm quyền để phòng ngừa tham nhũng để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.
Song song đó, tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm tra, tập trung xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong Nhân dân, dư luận xã hội quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cũng theo UBND Thành phố, trong thời gian qua, việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tố chức, đơn vị đặc biệt là công tác kê khai, công khai tài sản thu nhập, kiểm soát tài sản, thu nhập, công tác chuyển đổi vị trí công tác và công tác cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý, đã mang lại hiệu quả tích cực, được người dân hài lòng và đánh giá cao.
Về công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoạt động kiểm tra công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực... qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các cơ quan báo, đài và đội ngũ phóng viên đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đưa tin kịp thời về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực nhất là các nguồn thông tin về "tham nhũng vặt".
Bên cạnh kết quả trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế, đó là: Một số chủ trương, chính sách chưa được thế chế hóa và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định để điều chỉnh; những quy định không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hay những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo…
Tại buổi làm việc Chánh Thanh tra Thành phố Trần Văn Bảy đã bổ sung làm rõ thêm một số nội dung mà báo cáo chưa nêu rõ. Đồng thời, đại diện UBKT Thành ủy đã trao đổi một số nội dung vướng mắc liên quan đến công tác kê khai tài sản thu nhập…
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục IV Nguyễn Văn Cảnh đã ghi nhận những nội dung mà UBND Thành phố đã làm được trong thời gian qua; đồng thời, chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Theo Cục trưởng Cục IV, việc kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng nhằm đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đó đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.