Kiến nghị về thi hành pháp luật phòng, chống tham nhũng của Phú Thọ

Thứ ba, 19/11/2024 14:19
(ThanhtraVietNam) - Nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, UBND tỉnh Phú Thọ kiến nghị một số nội dung hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ.

Kiểm soát nội bộ, góp phần phòng, chống tham nhũng ở Ngân hàng Nhà nước

Không để lãng phí, tham nhũng vốn bổ sung xây cầu Phong Châu

Khó khăn trong thi hành pháp luật phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài chính

Thanh tra Chính phủ công bố thêm 3 kết luận thanh tra trách nhiệm công vụ

Doanh nghiệp kinh doanh đất, cát, đá, sỏi vào "tầm ngắm" thanh tra thuế

Những lĩnh vực vào “tầm ngắm” của Thanh tra Chính phủ

Ý kiến của Tổng cục Thuế về quản lý sàn thương mại điện tử kiểu Temu

Thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024, sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đã làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ để kiểm tra, theo dõi việc thực hiện pháp luật về PCTN.

Báo cáo với Tổ công tác, UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định, sau khi Luật PCTN năm 2018 được ban hành, công tác này tiếp tục được tăng cường với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

Các sở ngành, địa phương trong tỉnh căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm; chỉ đạo kiên quyết xử lý một số vụ việc phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước.


Trong 5 năm thực hiện Luật PCTN năm 2018, Phú Thọ phát hiện, xử lý 16 vụ tham nhũng với 37 đối tượng; tổng số tiền, tài sản tham nhũng được phát hiện hơn 3,9 tỷ đồng và 1.559 m2; đã thu hồi: 3,3 tỷ đồng và 1.559 m2.

Số liệu tổng hợp cho thấy, trong 5 năm thực hiện Luật PCTN, Phú Thọ đã kiểm tra việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch về tổ chức hoạt động tại 120 cơ quan, tổ chức, đơn vị; ban hành mới 172 văn bản về định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác của 2.403 người có chức vụ, quyền hạn; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt 3 cuộc; xác minh tài sản, thu nhập (TSTN) 409 người…

Các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc đã tập trung vào làm rõ một số tồn tại, vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định tại Luật PCTN, Nghị định 130 về kê khai  TSTN, công tác thu hồi TS trong các vụ án…

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, nhiều cơ chế, chính sách mới được vận hành, chưa có tiền lệ, kiểm định thực tế nên khó dự báo đầy đủ tác động dẫn tới một số quy định của Luật PCTN còn chung chung; thiếu đồng bộ, thống nhất, chưa chặt chẽ, không khả thi, gây khó khăn cho áp dụng và triển khai.

Khoản 1 Điều 2 Luật PCTN quy định 12 hành vi tham nhũng, nhưng chỉ có 7 hành vi được hình sự hóa, 5 hành vi còn lại thiếu chế tài xử lý, chưa có văn bản hướng dẫn gây khó khăn, kẽ hở khi vận dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng.

Đáng chú ý, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực như việc kê khai, kiểm soát kê khai TSTN của người có chức vụ, quyền hạn còn bất cập như:

Một là, chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp người thực hiện kê khai TSTN có được phép bổ sung, kê khai lại bản kê khai sau khi đã công khai.

Hai là, việc xác minh TSTN còn nhiều khó khăn, vướng mắc do có nhiều loại TS không thể xác minh bởi cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước và tổ chức ngoài khu vực nhà nước như ngân hàng, doanh nghiệp chưa có quy định rõ ràng.

Ba là, các cơ quan kiểm soát TSTN chưa được đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nhiều về xác minh TSTN nên khi thực hiện còn lúng túng.

Ngoài ra, công tác thu hồi TS trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế phụ thuộc nhiều vào giai đoạn tố tụng trước đó, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, kê biên TS của người phạm tội, ngăn ngừa hành vi tẩu tán, tiếp tay tẩu tán và vẫn còn những vụ việc đương sự lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tẩu tán TS trước khi bản án được đưa ra xét xử.

Về hoàn thiện pháp luật, UBND tỉnh Phú Thọ kiến nghị bổ sung các chế tài pháp lý, từ xử lý hành chính đến hình sự, bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn các vi phạm. Bổ sung quy định ngăn chặn tẩu tán, bảo đảm thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có.

Luật PCTN quy định, Thanh tra tỉnh kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương.

Trong khi đó, Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN (ban hành theo Quyết định số 56 ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị) cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy quản lý lại không thuộc diện Thanh tra tỉnh kiểm soát nên cần có sự thống nhất nội dung giữa Luật PCTN và Quyết định 56.

Về công tác tổ chức thi hành pháp luật, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, người đứng đầu cũng như mỗi cán bộ, công chức trong theo dõi, rà soát, cập nhật các quy định, vấn đề mới phát sinh để kịp thời tham mưu ban hành quy định cụ thể những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong rà soát, phát hiện, cung cấp thông tin về bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để nâng cao chất lượng ban hành văn bản thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, tiêu cực.

Ghi nhận những kiến nghị đã nêu, thay mặt Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Văn Long đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ bổ sung thông tin, hoàn thiện những nội dung được chỉ ra tại buổi làm việc nhằm xây dựng một báo cáo đầy đủ, phản ánh đúng những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của địa phương.

Một số hình ảnh buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ:

leftcenterrightdel

Ngày 19/11/2024, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ để kiểm tra, theo dõi việc thực hiện pháp luật về PCTN

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn báo cáo với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ
leftcenterrightdel
 Tổ công tác gồm các thành viên thuộc Vụ Pháp chế, Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1
leftcenterrightdel
 Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Lê Văn Quang đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ làm rõ một số nội dung
leftcenterrightdel
 Chánh Thanh tra tỉnh Phú Thọ Trần Việt Hùng báo cáo khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của pháp luật
leftcenterrightdel
 Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Văn Long - Tổ trưởng Tổ công tác kết luận nội dung đạt được tại buổi làm việc
Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra