Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm
Trong bài tham luận tại hội thảo, đồng chí Vũ Anh Tuấn, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TPHCM nêu công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn TPHCM và giải pháp, cách làm trong phòng chống tham nhũng, thực hiện chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung tại TPHCM, đó là cần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phát huy vai trò nêu gương và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Phát huy tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của TPHCM, nhất là người đứng đầu trong thực hiện công vụ. Đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận; quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM Nguyễn Đức Thái đề xuất giải pháp khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo tại TPHCM, đó là tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Thành ủy với Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân TP trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng, trong đó có liên quan đến việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo tại TP. Bên cạnh đó, TP cần có chính sách, quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi về nhận thức, vật chất, tinh thần khuyến khích cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, biểu dương kịp thời những cán bộ có đột phá trong đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao cho đất nước, nhân dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục có chính sách thu hút, tuyển dụng, trọng dụng nhân tài, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhất là xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương thể tha hóa quyền lực.
|
|
Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TPHCM - Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TU.TPHCM) |
Xử lý tham nhũng, tiêu cực phải thực sự nghiêm minh, khách quan
Để phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Thành Trung cho biết Đảng đoàn MTTQ Việt Nam TPHCM đã phối hợp với Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xây dựng nội dung phối hợp định kỳ hàng năm về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thường xuyên trao đổi thông tin, nội dung vụ việc phản ánh của người dân qua các kênh thông tin như: đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân, tiếp xúc cử tri… Đồng thời, phối hợp với báo, đài TP, Trung ương xây dựng chuyên trang, chuyên mục và đưa tin, bài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của hệ thống MTTQ Việt Nam TP. Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Thành Trung, để triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đơn vị tập trung tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Thực hiện công tác giám sát, phản biển xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong đó chú trọng giám sát việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đề xuất một số giải pháp cần tập trung đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân với Đảng. Đó là cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, khắc phục tình trạng chung chung, chồng chéo, xung đột, không rõ trách nhiệm, quyền hạn trong thực thi công vụ. Mặc khác, khắc phục tình trạng văn bản dưới luật quy định thủ tục nhiêu khê, gây khó khăn, ách tắc. Đồng thời, cần có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng, rành mạch và theo hướng tạo sự chủ động cho bên dưới, khắc phục cơ chế “xin - cho”. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ, lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải nêu gương tốt và tháo gỡ khó khăn cho cấp dưới. Trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực phải thực sự nghiêm minh, khách quan và công bằng, tránh oan sai. Ngoài ra, không hình sự hóa nếu không chứng minh được tham nhũng và không hình sự hóa những vụ án kinh tế, chú trọng việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và đề cao trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay tại cơ quan, đơn vị, ở tất cả các cấp, các ngành.