Lai Châu: Nhiều giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Thứ ba, 28/05/2024 13:17
(ThanhtraVietNam) – Để duy trì thứ hạng cao đối với Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã đề ra nhóm giải pháp, trong đó tập trung công khai kết quả xử lý các hành vi, cá nhân, tổ chức tham nhũng; khắc phục các tồn tại về công tác phòng chống tham nhũng.

Đứng đầu trong nhóm các tỉnh Tây Bắc về Chỉ số PAPI

Từ 2020 đến nay, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Lai Châu tăng mạnh. Cụ thể, năm 2020 tổng điểm là 40,85 điểm, xếp thứ 54/63; Năm 2021 tổng điểm là 42,33, xếp thứ 30/63 các tỉnh, thành phố và năm 2022 tổng điểm là 42,70 xếp thứ 27/63 các tỉnh, thành phố (tăng 03 bậc so với năm 2021 và tăng 27 bậc so với năm 2020). Năm 2023 tổng điểm là 43,6223 điểm xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố và đứng trong top 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, đứng đầu khu vực các tỉnh miền núi phía Tây Bắc; tăng 09 bậc so với năm 2022; tăng 12 bậc so với năm 2021 và tăng 36 bậc so với năm 2020.

Các tỉnh trong khu vực Tây Bắc năm 2023 có kết quả như sau: tỉnh Lào Cai đạt 42,11 điểm; Yên Bái 42,48 điểm; Hòa Bình 43,56 điểm; Điện Biên 42,03 điểm; Sơn La 42,39 điểm; Lai Châu 43,6223 điểm. Với kết quả nêu trên có thể thấy tỉnh Lai Châu tiếp tục là tỉnh đứng đầu trong nhóm các tỉnh Tây Bắc (năm 2022 tỉnh Lai Châu đã đạt 42,70 và đứng đầu các tỉnh Tây Bắc).

Kết quả bứt phá của tỉnh Lai Châu tập trung vào 7 chỉ số có điểm số tăng so với năm 2022 và 01 chỉ số có điểm số giảm so với năm 2022 nhưng giảm không đáng kể.

leftcenterrightdel
Kết quả Chỉ số PAPI tỉnh Lai Châu năm 2023. 

Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” vẫn ở thứ hạng thấp

Bên cạnh kết quả đạt được như đã nêu ở trên, chỉ số PAPI của tỉnh Lai Châu còn một số tồn tại. Cụ thể, Chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 4,97 điểm đứng thứ hạng 29/63 (các tỉnh, thành phố trên toàn quốc) giảm 0,61 điểm so với năm 2022, tăng 0,1 điểm so với năm 2021, tăng 0,62 điểm so với năm 2020.

Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở mặc dù giảm so với năm 2022 về điểm số nhưng không giảm đáng kể và còn tăng so với các năm 2020 và 2021. Do đó, việc giảm của chỉ số này không ảnh hưởng nhiều đến tổng số điểm PAPI của tỉnh Lai Châu.

Về Chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, tỉnh đạt 6,48 điểm đứng thứ hạng 49/63 (các tỉnh,thành phố trên toàn quốc) tăng 0,32 điểm so với năm 2022, tăng 0,18 điểm so với năm 2021, tăng 0,1 điểm so với năm 2020. Nhưng hiện vẫn duy trì thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Công khai báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng hàng năm

Để duy trì thứ hạng cao trong năm vừa qua, tiếp tục giữ tỉnh Lai Châu đứng ở top 20 các tỉnh, thành phố trên cả nước, đứng đầu khu vực Tây Bắc, UBND tỉnh Lai Châu đã đề ra nhóm giải pháp đối với các chỉ số.

Trong đó, đối với chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch”, tỉnh đẩy mạnh việc công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các thông tin, số liệu thuộc phạm vi quản lý trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và các hình thức phù hợp khác để người dân thuận lợi trong việc tra cứu và sử dụng thông tin theo quy định; công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện tốt các công tác tiếp xúc cử tri, trực tiếp đối thoại với nhân dân để lấy ý kiến tham gia vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước tại địa phương.

Đối với Chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản có liên quan về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức để người dân biết, thực hiện giám sát. Thực hiện công khai kết quả các chỉ số đánh giá, xếp hạng, phân loại chính quyền cơ sở, công khai báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng hàng năm; kết quả xử lý các hành vi, cá nhân, tổ chức tham nhũng; khắc phục các tồn tại về công tác phòng chống tham nhũng của tỉnh, của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cải thiện lòng tin của người dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Các khoản đóng góp tự nguyện đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch

Đối với chỉ số nội dung của PAPI tỉnh Lai Châu hiện đang giảm về điểm số trong năm 2023, cụ thể là ở Chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tập trung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở dân chủ, trong sạch, vững mạnh; tạo điều kiện cho Nhân dân được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện; được phản ánh, kiến nghị, tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách của Trung ương, của địa phương.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân hiểu đầy đủ và thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; nội dung thông tin, tuyên truyền tập trung vào các nội dung dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của Nhân dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương chính sách của tỉnh, của địa phương liên quan trực tiếp đến người dân; kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia, nhất là các nội dung như: Công khai các khoản đóng góp tự nguyện theo quy định, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, do người dân quyết định thực hiện và quyết định mức đóng góp dưới sự giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân./.

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra