Chỉ thị số 10/CT-TTg:

Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra

Thứ hai, 13/03/2023 09:59
(ThanhtraVietNam) - Triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung triển khai sâu rộng bằng các hình thức, biện pháp thiết thực hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ, hiệu quả…

Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Để triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg về triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã sao gửi Đề án đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, đồng thời yêu cầu quán triệt tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động nội dung của Đề án cũng như ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án.

Theo đó, triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung triển khai sâu rộng bằng các hình thức, biện pháp thiết thực hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng và phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và đồng bộ nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật.

Cụ thể, Bộ VHTTDL đã chú trọng việc kiện toàn nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về PCTN; đội ngũ giảng viên giảng dạy môn pháp luật tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc Bộ. Hiện nay, Bộ có 129 công chức, viên chức được Bộ Tư pháp công nhận là báo cáo viên pháp luật Trung ương.

Công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về PCTN được thực hiện thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và website của các đơn vị trực thuộc. Các hoạt động phổ biến trên Cổng Thông tin điện tử và các website gồm: cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; viết bài, thông tin về văn bản quy phạm pháp luật mới; mở các chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị khối nghệ thuật của Bộ đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN sáng tạo như: sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền tại các nhà hát; tổ chức các cuộc triển lãm có chủ đề PCTN hoặc thông qua các bài giới thiệu về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng chuyên mục “Những tấm gương bình dị mà cao quý” nhằm tôn vinh, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, nâng cao nhận thức về tính liêm chính, trách nhiệm, minh bạch trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Và gần như hầu hết các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đều xây dựng tủ sách pháp luật, trong đó có các đầu sách pháp luật về PCTN. Ngoài ra, một số đơn vị còn xây dựng tủ sách pháp luật về PCTN trên trang thông tin điện tử để công chức, viên chức, người lao động dễ dàng tra cứu. Thư viện Quốc gia thuộc Bộ VHTTDL có nhiều đầu sách pháp luật về PCTN, những tư liệu, tài liệu về đạo đức liêm chính.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. PV

100% đơn vị đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo

Cũng theo Bộ VHTTDL, 100% các đơn vị thuộc khối trường đã đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ thông qua các hình thức như: lồng ghép nội dung PCTN vào các mô-đun, môn học Giáo dục an ninh quốc phòng; Chính trị; Pháp luật; Tâm lý và kỹ năng giao tiếp du lịch..., phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo; thư viện các trường luôn cập nhật những tài liệu, nội dung, quy định liên quan đến công tác PCTN để học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên truy cập, tra cứu...; thông qua tuần sinh hoạt chính trị đầu khóa cho học sinh, sinh viên mới; các hoạt động ngoại khóa; các buổi nói chuyên chuyên đề về pháp luật cho học sinh, sinh viên; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên…

Bên cạnh đó, Bộ này cũng đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN thông qua các hoạt động chuyên môn như hoạt động thanh tra, kiểm tra, Chương trình Hỗ trợ pháp lí, chuyên trang giải đáp pháp luật, tham gia cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về PCTN do Thanh tra Chính phủ tổ chức…

Đặc biệt, năm 2019, Bộ VHTTDL tổ chức 1 hội nghị quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho toàn thể cán bộ lãnh đạo là Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ (170 người tham dự). Đồng thời, sau Hội nghị quán triệt, Bộ đã yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tổ chức quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có nội dung liên quan đến hoạt động của Ngành và các quy định của Luật PCTN đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị; triển khai công tác kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Giai đoạn 2019 -2021, Bộ VHTTDL tổ chức 12 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, trọng tâm là các văn bản mới được ban hành hoặc các hiệp ước quốc tế, như các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP cho đối tượng là các cán bộ, công chức các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (khoảng trên 2000 người tham dự).

Tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật về PCTN cho công chức, viên chức, người lao động; tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, trong đó có lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về PCTN.

Cũng theo Bộ VHTTDL, tiếp tục phát huy thành tích, kết quả đã đạt được, trên nguyên tắc đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, quyết tâm rồi cần quyết tâm hơn nữa, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN thông qua một số giải pháp: Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong tham mưu, đề xuất giải pháp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động đối với công tác PCTN, đồng thời phát huy vai trò của công chức, viên chức, người lao động, nhất là đảng viên, trong việc tham mưu, đề xuất các giải pháp triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN có hiệu quả.

Phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng trong việc chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN. Tăng cường sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giữa các cơ quan, đơn vị, đoàn thể để đạt hiệu quả cao hơn.

Và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kĩ năng cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra