Mệnh lệnh của Tư lệnh ngành Thanh tra và "5 rõ" của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khi bệnh viện nghìn tỷ thành đống đổ nát

Thứ ba, 08/04/2025 14:14
(ThanhtraVietNam) - Bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang giữa lúc người dân chen chúc chờ điều trị, không chỉ là nghịch lý đầu tư mà còn là vết rạn lớn trong quản trị tài sản công. Kết luận Thanh tra số 528/KL-TTCP ngày 28/3/2025 phơi bày sự lãng phí hơn 1.254 tỷ đồng tại hai cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức. Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, gọi đây là “chuỗi bất cập hệ thống”, đặt câu hỏi lớn về trách nhiệm pháp lý và đạo lý trong quản lý công.

Lỗ hổng quản lý, từ ngân sách đến niềm tin xã hội

Hai Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nam khởi công năm 2014 với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, mang kỳ vọng giảm tải y tế tuyến trên. Thế nhưng, hơn một thập kỷ sau, hai công trình này chỉ còn là những khối bê tông phủ cỏ dại, thiết bị y tế đắt tiền nằm im trong bụi. Từ tháng 1/2021, dự án dừng thi công, để lại thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng và câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm.

leftcenterrightdel
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm 

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Anh Tú – chuyên gia về đầu tư công và tài sản công, nhìn nhận: “Đây là sự lãng phí nguồn lực xã hội đáng suy ngẫm. Vấn đề không chỉ nằm ở ngân sách, mà ở quy hoạch, vận hành và giám sát pháp lý.” Ông chỉ ra rằng, chuỗi sai phạm từ phê duyệt chủ trương, đấu thầu, đến thực hiện dự án cho thấy một lỗ hổng lớn: thiếu gắn kết giữa hạ tầng và hiệu quả sử dụng thực tế. “Nhiều dự án xây dựng theo kiểu ‘hạ tầng trước, con người và cơ chế tính sau’. Không có nhân lực, không có mô hình tài chính khả thi, công trình nghìn tỷ dễ rơi vào cảnh "trùm mền", Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Kết luận Thanh tra 528/KL-TTCP đã nêu đích danh hàng loạt cá nhân và tổ chức liên quan. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, bị chỉ ra đã phê duyệt thuê tư vấn nước ngoài trái quy định, vi phạm Luật Đấu thầu 2005, dẫn đến chi phí đội giá bất hợp lý; Ông Nguyễn Chiến Thắng và ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Y tế Trọng điểm các thời kỳ bị quy trách nhiệm vì đấu thầu trái luật và để công trình đình trệ; Công ty VK Studio cùng liên danh nhà thầu cũng góp phần khi thi công chậm trễ, thiết kế sai kỹ thuật. 

Theo Luật sư Tú, nếu sai phạm gây thất thoát nghiêm trọng, có thể xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 về “vi phạm quy định đầu tư công trình xây dựng”. Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Không nên vội quy trách nhiệm cá nhân khi bản chất là thất bại hệ thống kéo dài qua nhiều thời kỳ."

Hơn 1.254 tỷ đồng lãng phí bao gồm 20,714 tỷ đồng từ điều chỉnh thiết kế sai quy định, 253,6 tỷ đồng chi phí phát sinh do dừng thi công, 217,179 tỷ đồng khấu hao tài sản, và 762 tỷ đồng vốn bỏ không từ Quỹ SCIC và ngân sách nhà nước. “Đây là tiền thuế của dân, là cơ hội cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân bị bỏ lỡ,” Luật sư Tú nói. Ông đặt câu hỏi: “Nếu không xử lý nghiêm, niềm tin vào công quyền sẽ ra sao?”

“5 rõ” làm sáng tỏ - lãng phí không còn là vùng xám

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường, tại buổi công bố Kết luận 528, đã nhấn mạnh nguyên tắc “5 rõ” – một bước tiến trong công tác thanh tra: rõ vi phạm, rõ trách nhiệm, rõ hậu quả, rõ biện pháp xử lý, và rõ bài học. Đây là lần đầu tiên chống lãng phí được đặt ngang tầm chống tham nhũng, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường, tại buổi công bố Kết luận 528

Rõ vi phạm: Thanh tra phanh phui từ việc thuê tư vấn nước ngoài trái luật, phân chia gói thầu thiếu đồng bộ, đến điều chỉnh móng cọc từ khoan nhồi sang ép cọc bê tông, vi phạm Luật Xây dựng 2014. Mọi khâu sai phạm đều được mổ xẻ chi tiết.

Rõ trách nhiệm: Không còn lối mòn “đổ lỗi tập thể”. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Nguyễn Chiến Thắng, ông Nguyễn Hữu Tuấn cùng nhiều cá nhân khác bị nêu tên, phá vỡ bức màn che giấu trách nhiệm cá nhân trong quản lý công.

Rõ hậu quả: Hơn 1.254 tỷ đồng là con số cụ thể, nhưng thiệt hại vô hình, cơ hội y tế bị bỏ lỡ, niềm tin xã hội xói mòn, còn lớn hơn nhiều.

Rõ biện pháp xử lý: Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra hình sự, một động thái cứng rắn cho thấy lãng phí không còn là vấn đề nội bộ mà là tội phạm cần xử lý.

Rõ bài học: Quản lý công phải minh bạch, giám sát phải chặt chẽ, trách nhiệm cá nhân phải được đặt lên hàng đầu. “Nếu không, lãng phí sẽ là căn bệnh mãn tính,” ông Cường cảnh báo.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cườn nhận định: “Nguyên tắc ‘5 rõ’ là lời cảnh tỉnh cho hệ thống. Niềm tin công chúng chỉ được củng cố khi có minh bạch và xử lý công bằng. Nếu công trình bỏ hoang mà không ai chịu trách nhiệm, công luận sẽ không chấp nhận.” Ông cũng nhấn mạnh rằng, ngoài chế tài, cần khơi dậy đạo lý trong đội ngũ công vụ: “Mỗi đồng ngân sách lãng phí là tổn thất cho lòng tin xã hội.”

Mệnh lệnh chống lãng phí: Tư lệnh ngành Thanh tra nêu rõ

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã phát đi mệnh lệnh mạnh mẽ, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống lãng phí. Ông chỉ đạo Cục IV chủ trì thanh tra chuyên đề về phòng, chống lãng phí trong quản lý cơ sở nhà đất tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, các vụ việc lớn như cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, đảm bảo không chìm xuồng.

leftcenterrightdel
 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã chủ trì cuộc họp giao ban lãnh đạo cấp vụ tháng 3 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 4/2025

Chiến lược của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong không chỉ dừng ở vụ việc trước mắt. Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng đề cương hướng dẫn thanh tra chuyên đề, hệ thống hóa công tác chống lãng phí trong dài hạn. “Nhà đất công là mảnh đất màu mỡ cho lãng phí. Việc Cục IV vào cuộc cho thấy quyết tâm nhắm vào các điểm nóng tiềm ẩn,” ông nhấn mạnh trong cuộc giao ban tháng 3/2025. Phối hợp với Bộ Công an để xử lý hình sự các hành vi gây thiệt hại ngân sách cũng là tín hiệu rõ ràng, lãng phí sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Luật sư Trương Anh Tú đề xuất giải pháp lâu dài: “Cần gắn trách nhiệm rõ ràng cho từng khâu đầu tư công, thiết lập cơ chế phản biện độc lập với sự tham gia của chuyên gia và xã hội dân sự, đồng thời luật hóa đánh giá hiệu quả tài sản công sau đầu tư.” Ông Tú khẳng định: “Pháp luật không chỉ là chế tài, mà là lời nhắc nhở về đạo đức công vụ. Tôi mong góp tiếng nói để những công trình nghìn tỷ không còn là đống đổ nát.”

Hơn 1.254 tỷ đồng lãng phí tại hai bệnh viện là “vệt đen” khó có thể xóa nhòa. Nhưng với mệnh lệnh của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và “5 rõ” của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường, đây là lúc hành động. Lãng phí không tự biến mất, nó đòi hỏi sự quyết liệt từ cấp cao nhất để bảo vệ từng đồng thuế của dân, không chỉ bằng truy trách nhiệm, mà bằng con đường ngăn chặn triệt để trong tương lai./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra