Theo báo cáo của UBND tỉnh, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai, tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCTN: UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 27/03/2019 về kế hoạch triển khai thi hành Luật PCTN trên địa bàn tỉnh; triển khai Luật PCTN năm 2018 cho thành viên và Ban Thư ký Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương được 02 cuộc với 155 lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh đã tổ chức tuyên truyền Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ cho đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác PCTN ở các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện được 02 cuộc với 77 lượt người. Trong kỳ báo cáo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được 30.051 cuộc, cho 1.049.619 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tham dự với 50.871 tài liệu tuyên truyền về PCTN.
|
|
Thanh tra tỉnh Vĩnh Long là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh (Ảnh: TTT.VL) |
Đối với kết quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác PCTN, trong kỳ các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai 98 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN tại 151 đơn vị. Kết quả đã kịp thời phát hiện một số thiếu sót trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Việc xây dựng kế hoạch PCTN, tiêu cực của đơn vị chưa nêu đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, báo cáo công tác PCTN chưa đầy đủ theo đề cương, biểu mẫu hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, việc công khai về hoạt động tài chính ngân sách và xây dựng cơ bản chưa đúng theo biểu mẫu quy định. Từ đó, có những kiến nghị chấn chỉnh kịp thời, giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng quy định pháp luật, từng bước góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN,TC trên địa bàn tỉnh.
Về kết quả chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn, trong kỳ các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chuyển đổi 594 vị trí công tác. Trong kỳ báo cáo, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 15 vụ việc với 38 đối tượng liên quan đến tham nhũng; trong đó, số vụ việc xử lý hành chính là 08 vụ với 27 trường hợp, số vụ án xử lý hình sự là 07 vụ với 11 trường hợp.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhìn chung từ khi ban hành Luật PCTN năm 2018, công tác PCTN cơ bản đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, cơ chế kiểm soát cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ ngày càng được cải thiện; khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả; các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, quy định về trách nhiệm giải trình được quy định một cách đầy đủ, toàn diện. Bên cạnh đó, với việc đưa đánh giá công tác PCTN vào Luật PCTN năm 2018 và tổ chức triển khai thực hiện hằng năm đã đem lại kết quả tốt trong công tác phòng ngừa tham nhũng.
Từ những kết quả nêu trên, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị: Để tạo sự thống nhất giữa Luật PCTN năm 2018 và Bộ Luật hình sự năm 2015, kiến nghị Trung ương xem xét, hướng dẫn, có thể nghiên cứu việc hình sự hóa đối với 04 hành vi tham nhũng quy định tại điểm i, k, l, m Khoản 1, Điều 2 Luật PCTN năm 2018.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng kiến nghị các cơ quan Trung ương và Thanh tra Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu cho các Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập (TSTN); hướng dẫn thực hiện thống nhất việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, đảm bảo phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, đối tượng giữa các cơ quan trong việc thực hiện kiểm soát TSTN.