Một số khó khăn, vướng mắc trong kiểm soát và xác minh tài sản, thu nhập tại Bộ Quốc phòng

Thứ tư, 27/12/2023 16:00
(ThanhtraVietNam) - Kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) là hoạt động do cơ quan kiểm soát TSTN thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ TSTN, biến động về TSTN, nguồn gốc của TSTN tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ; kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Kiểm soát TSTN là một trong 06 giải pháp tổng thể phòng, chống tham nhũng, là một trong những công cụ góp phần quan trọng tăng cường tính công khai, minh bạch, sự liêm chính của cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn; giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát, phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ làm giàu bất chính.

Tại Hội nghị về công tác tài sản, thu nhập do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 20/12/2023, Thanh tra Bộ Quốc phòng đã chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc cũng như những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về công tác kiểm soát TSTN, ngày 20/12/2023. Ảnh: K. Dung

99,6% người có nghĩa vụ phải kê khai đã kê khai TSTN, xác minh được 1.190 đồng chí

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong kiểm soát TSTN và các văn bản của Thanh tra Chính phủ về kiểm soát TSTN, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn để thống nhất trong toàn quân. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Thanh tra Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản về kiểm soát TSTN và xác minh TSTN hằng năm, như: Hướng dẫn về kiểm soát TSTN, kế hoạch xác minh TSTN hằng năm, trình tự và công tác phối hợp xác minh TSTN.

Kết quả năm 2022, Bộ Quốc phòng đã triển khai kê khai bản kê khai được 57.917/58.144 người có nghĩa vụ phải kê khai, đạt 99,6%, công khai, thu nộp 100% bản kê khai theo quy định. Đã xác minh được 1.190 đồng chí có nghĩa vụ kê khai hằng năm theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên, việc xác minh TSTN theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Thông qua xác minh cho thấy còn 50 đồng chí được kết luận về những sai sót khác như kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, thiếu chính xác về số liệu, thông tin kê khai, chậm thời gian so với quy định...

Thông qua kiểm soát và xác minh TSTN, Bộ Quốc phòng rút ra bài học kinh nghiệm về việc cần phát huy tốt vai trò và gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện kiểm soát và xác minh TSTN. Cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh TSTN các cấp chủ động, tích cực trong việc phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc kiểm soát và xác minh TSTN. Đồng thời, để đạt được kết quả xác minh một số lượng lớn là 1.190 đồng chí trong Bộ Quốc phòng. Quá trình triển khai thực hiện, thường xuyên yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo tiến độ triển khai, đồng thời đôn đốc, trao đổi, rút kinh nghiệm trong qua trình xác minh TSTN; tiến hành xác minh bảo đảm công tâm, khách quan, trung thực từ khâu bốc thăm theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên, xây dựng kế hoạch tiến hành xác minh và báo cáo kết quả xác minh, kết luận xác minh. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Thanh tra Bộ Quốc phòng đã tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các bộ, ngành như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, từ đó tổ chức triển khai tổ chức xác minh theo đúng các bước, quy trình xác minh TSTN bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Còn khó khăn, vướng mắc trong kiểm soát và xác minh TSTN

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong kiểm soát và xác minh TSTN tại Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ cho biết, một số cơ quan, đơn vị địa bàn đóng quân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ phân tán, phần nào ảnh hưởng đến công tác hướng dẫn, tuyên truyền, chất lượng, tiến độ kê khai, thu nộp, công khai và xác minh TSTN.

Về xác minh TSTN: Tại điểm b khoản 2 Điều 31, điểm b khoản 2 Điều 46 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về TSTN của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ xác minh TSTN. Nhưng Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ không quy định cụ thể về phạm vi yêu cầu bao nhiêu cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về TSTN của người được xác minh để phục vụ xác minh TSTN và đủ điều kiện kết luận xác minh TSTN, hay chỉ yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan đến TSTN mà người được xác minh đã kê khai, giải trình cung cấp hồ sơ, tài liệu để tiến hành đối chiếu, xác minh và kết luận xác minh TSTN.

Về thẩm quyền kiểm soát TSTN, xác minh TSTN: Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Điều 3 Quyết định số 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát TSTN có quy định nội dung: Thanh tra Chính phủ kiểm soát TSTN của người có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên (tương đương Giám đốc sở) công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập...; ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy kiểm soát TSTN của những người thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý...; ủy ban kiểm tra quận ủy, huyện ủy, thị ủy kiểm soát TSTN của những người thuộc diện ban thường vụ quận ủy, huyện ủy, thành ủy, thị ủy quản lý... Tuy nhiên, trong Quân đội, trường hợp các đồng chí cán bộ công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh có hệ số phụ cấp chức vụ 0,9 trở lên là đối tượng thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý chịu sự kiểm soát TSTN của 02 cơ quan (ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy và Thanh tra Chính phủ) thì cơ quan nào sẽ là cơ quan xác minh TSTN. Tương tự như vậy, các đồng chí cán bộ có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,6 trở lên công tác tại Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và các đồng chí cán bộ thuộc các đồn biên phòng tăng cường làm bí thư, phó bí thư các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới thuộc diện ban thường vụ huyện ủy quản lý chịu sự kiểm soát TSTN của 02 cơ quan (ủy ban kiểm tra huyện ủy và cơ quan kiểm soát TSTN của Bộ Quốc phòng) thì cơ quan nào sẽ là cơ quan xác minh TSTN.

Về thẩm quyền xác minh TSTN trong giải quyết tố cáo: Trong trường hợp thụ lý, giải quyết tố cáo theo thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018, nhưng trong các nội dung tố cáo có nội dung tố cáo kê khai TSTN không trung thực, mà thẩm quyền xác minh TSTN không thuộc thẩm quyền cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì việc xác minh TSTN được tiến hành theo trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo hay tiến hành theo trình tự xác minh TSTN theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Kiến nghị, đề xuất

Để triển khai công tác kiểm soát TSTN đảm bảo đạt hiệu quả, đề nghị Thanh tra Chính phủ kiến nghị, đề xuất Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sửa đổi một số nội dung sau:

Thứ nhất, về Quyết định số 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị: Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 theo hướng xác định rõ thẩm quyền của cơ quan kiểm soát TSTN đối với các trường hợp: Các đồng chí sĩ quan công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh có hệ số phụ cấp chức vụ 0,9 trở lên, thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý. Vì, theo quy định hiện hành thì cả Thanh tra Chính phủ và ủy ban kiểm tra tỉnh ủy đều có thẩm quyền xác minh TSTN của các trường hợp nêu trên. Các đồng chí sĩ quan công tác tại Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,6 trở lên; các đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp công tác tại đồn Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tăng cường làm Bí thư, Chủ tịch xã, thị trấn biên giới thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy quản lý. Vì, theo quy định hiện hành thì cả Bộ Quốc phòng và ủy ban kiểm tra huyện ủy đều có thẩm quyền xác minh TSTN của các trường hợp nêu trên.

Thứ hai, về Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Mục 6 (xác minh TSTN) theo hướng xác định rõ thẩm quyền của thường trực ủy ban hoặc ủy ban kiểm tra cấp nào trong việc xây dựng, ban hành kế hoạch xác minh TSTN của đối tượng có nghĩa vụ kê khai do cấp ủy cấp mình quản lý; xác minh trong giám sát, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo; xác minh theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Bởi vì, theo quy định tại khoản 1, khoản 6, khoản 8 Điều 3 Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN ban hành kèm theo Quyết định số 56-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị chỉ có Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy mới là cơ quan có thẩm quyền kiểm soát TSTN còn ủy ban kiểm tra các tổ chức đảng khác (Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Ban cán sự Đảng bộ…) không có thẩm quyền kiểm soát TSTN nên cũng không có thẩm quyền xác minh TSTN trong mọi trường hợp.

Thứ ba, về Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: Tại điểm b khoản 2 Điều 46, đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết việc Tổ xác minh yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung xác minh TSTN: Sẽ gửi đến bao nhiêu cơ quan, tổ chức, đơn vị để đủ điều kiện kết luận xác minh TSTN. Bởi vì, theo quy định hiện hành thì khi xác minh TSTN của một người sẽ phải gửi văn bản yêu cầu đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu. Nếu gửi đầy đủ văn bản đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý các loại tài sản thì sẽ không đảm bảo được về thời gian báo cáo kết quả xác minh được quy định tại Điều 48 Luật Phòng, chống tham nhũng.

Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định xử lý hành vi kê khai TSTN không trung thực, giải trình nguồn gốc của TSTN tăng thêm không trung thực (Điều 51), nhưng chưa có quy định xử lý TSTN tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được tính hợp pháp. Do vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định xử lý TSTN tăng thêm không giải trình được tính hợp pháp hình thành TSTN để đảm bảo phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là quốc gia thành viên được phê chuẩn tại Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN ngày 30/6/2009 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ tư, về Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Tại khoản 2 Điều 10, đề nghị sửa Phụ lục III theo hướng sửa đổi các mục 103, 104, 105 vì trong Quân đội không có các chức danh là phó trưởng phòng (trợ lý chính sách Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; trợ lý quân lực, trợ lý cán bộ cấp trung đoàn trở lên; trợ lý quản lý học viên, tuyển sinh, chính sách, bảo hiểm của các nhà trường) và sửa lại tiêu đề của Phụ lục III như sau: “Danh mục lĩnh vực của người có chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên phải kê khai TSTN hằng năm”, để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều này.

Thanh Liêm
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra