Một số vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh Ninh Thuận

Thứ sáu, 09/09/2022 08:43
(ThanhtraVietNam) - Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng, tham ô tài sản nhà nước, có nhiều vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương. Đó là vấn đề vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; vấn đề quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và thực thi như thế nào; việc xử lý tham nhũng có cương quyết, kịp thời, nghiêm khắc theo quy định pháp luật hay không; hay vấn đề công khai kết quả xử lý để tăng cường công tác giáo dục trong xã hội.

Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực

Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt của Tỉnh ủy, Thanh tra Chính phủ, 10 năm qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành một cách đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng phát huy tốt vai trò của Nhân dân trong công tác tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng, đưa ra truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đúng pháp luật bước đầu đã tạo niềm tin trong Nhân dân và ngăn ngừa các hành vi vi phạm đúng pháp luật.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Cụ thể, tại Ninh Thuận, có 03 vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện, kiến nghị chuyển sang Cơ quan Điều tra 15 vụ. Trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã phát hiện 03 vụ việc liên quan đến đất đai. Qua công tác điều tra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra các cấp đã tiến hành khởi tố điều tra 24 vụ/31 bị can.

Trong công tác xét xử, số vụ án hình sự về tham nhũng mà TAND hai cấp đã giải quyết là 17 vụ với 18 bị cáo. Tổng số tiền bị thiệt hại phải thu hồi là 7.988.306.448 đồng. Điển hình là một số vụ được đưa ra xét xử ở cấp tỉnh như:

Năm 2013, vụ Hoàng Thanh Liêm - Phó Giám đốc phụ trách phòng giao dịch Nhơn Sơn, phạm tội Tham ô tài sản với số tiền 2.434.325.106 đồng tiền gốc và số tiền lãi phát sinh là 142.883.381 đồng của Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, số tiền này Hoàng Thanh Liêm và gia đình đã khắc phục hết. Ngày 30/5/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã xét xử bị cáo Hoàng Thanh Liêm về tội “Tham ô tài sản” và xử phạt Hoàng Thanh Liêm 15 (mười lăm năm tù). Sau khi xét xử Viện kiểm sát tối cao có kháng nghị nên hồ sơ vụ án đã được chuyển vào Tòa phúc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao tại TP.Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm.

Năm 2017, vụ án Nguyễn Thị Lan Anh kế toán phòng Tài chính - Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận, phạm tội “Tham ô tài sản” với số tiền là 1.304.871.665 đồng. Ngày 24/02/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh phạm tội “Tham ô tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo 16 năm tù. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo rút toàn bộ kháng cáo Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

Năm 2019, vụ án Đàng Chi Uyên được Lãnh đạo Phòng giao dịch Bắc Ninh Phước giao phụ trách công tác kế toán và kiêm giao dịch viên tại quầy phụ trách giải ngân, thu nợ đối với các khách hàng thuộc 2 xã Phước Hậu và Phước Sơn, phạm tội “Tham ô tài sản” với số tiền là 2.004.330.042 đồng. Gia đình Đàng Chi Uyên đã trả lại cho Ngân hàng với tổng số tiền 2.194.851.291 đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả. Ngày 17/5/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận xét xử bị cáo Đàng Chi Uyên về tội “Tham ô tài sản”. Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; điểm a khoản 4 Điều 353; điểm g khoản 1 Điều 52; các điểm b, n, r, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Xử phạt bị cáo Đàng Chi Uyên 15 (mười lăm) năm tù.

Tồn tại và nguyên nhân

Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống tham nhũng, song do một số cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, thiếu nhất quán, có kẽ hở nên công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực tại Ninh Thuận vẫn còn bất cập, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý đầu tư dễ phát sinh hành vi tiêu cực, tham nhũng. Một số đơn vị, một số khâu trong quy trình giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng vặt; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, doanh nghiệp để phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng chưa chặt chẽ. Một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác phòng, chống tham nhũng nên quá trình thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ còn hình thức, chưa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm túc các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; công tác đánh giá phòng, chống tham nhũng theo Bộ Chỉ số tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh hàng năm một số đơn vị thực hiện chưa kịp thời, hồ sơ tài liệu chưa đầy đủ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tập trung rất cao sự chỉ đạo, điều hành cũng như sự nỗ lực thực hiện của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa thường xuyên; quản lý, giáo dục viên chức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả nhất là trình độ cán bộ quản lý hạn chế; một số lợi dụng sự quản lý sơ hở và thiếu sự kiểm tra của đơn vị để tham nhũng, tiêu cực. Các vụ việc chưa kịp thời được phát hiện xử lý trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Cải cách hành chính vẫn còn chậm, chưa được khắc phục triệt để; thiếu các công cụ phát hiện và xử lý tham nhũng hữu hiệu. Một số ít cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa mạnh mẽ kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Việc thực thi công vụ, kỷ luật, kỷ cương tại một số cơ quan đơn vị, địa phương có lúc chưa nghiêm. Đặc biệt, có lúc, có nơi, Thủ trưởng một số đơn vị bộc lộ ý thức chủ quan cho rằng địa phương, cơ sở không có điều kiện để tham nhũng, tiêu cực... nên việc triển khai công tác phòng chống tham nhũng có phần bị động, thiếu quyết liệt, dẫn đến phát sinh tham nhũng phải bị xử lý. Công tác xây dựng các kế hoạch và đề ra các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật hiệu quả, chưa phát huy hết vai trò giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân, tổ chức, công đoàn trong công tác đấu tranh, phát hiện phòng, chống tham nhũng. Công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một số cơ sở chưa có sự quan tâm đúng mức; một số cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thoái hóa, biến chất đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành về phòng, chống tham nhũng chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn. Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới được triển khai nên hiệu quả chưa được thể hiện rõ nét, đòi hỏi phải tập trung rất cao sự chỉ đạo, điều hành cũng như sự nỗ lực thực hiện của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết

Qua thực tiễn thấy rằng, vai trò trách nhiệm người đứng đầu là yếu tố quan trọng hàng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nơi nào người đứng đầu gương mẫu, luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt với chương trình kế hoạch, giải pháp hiệu quả, khả thi, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức thì sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng tham nhũng ở cơ quan, đơn vị. Ngược lại, nơi nào người đứng đầu lơ là, xem nhẹ công tác phòng, chống tham nhũng thì dễ phát sinh tham nhũng. Vấn đề đặt ra là phải gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, có cơ chế biểu dương, khen thưởng nếu người đứng đầu thực hiện hiệu quả và bị xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.

Bên cạnh quy định pháp luật, cơ chế, chính sách thì vấn đề thực thi là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Nếu cán bộ, công chức được học tập, quán triệt nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật, luôn tu dưỡng đạo đức công vụ, chấp hành pháp luật, có lối sống trọng danh dự... thì sẽ khó bị cám dỗ mà tham nhũng, tiêu cực và ngược lại nếu cán bộ, công chức suy thoái, biên chất, có lối sống xa hoa, hưởng thụ, thiếu tu dưỡng rèn luyện thì dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh vững vàng, có lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có lối sống trọng danh dự, liêm chính, không vụ lợi... góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc xử lý tham nhũng phải cương quyết, nghiêm khắc và không có vùng cấm. Thực tế nơi nào khi phát hiện hành vi tham nhũng thì phải tiến hành xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật và công khai kết quả xử lý nhằm tăng cường công tác giáo dục trong xã hội.

Kiến nghị, đề xuất

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh Ninh Thuận có một số kiến nghị, đề xuất sau:

Một là: Đề nghị Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan thanh tra các cấp. Đồng thời tăng cường chế độ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức.

Hai là: Đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thiện quy định bảo đảm kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung về quản lý bản kê khai; kiểm tra, giám sát, thẩm tra, xác minh việc kê khai; trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, những khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn. Quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai không trung thực phù hợp với tình hình phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay; ban hành quy định về cơ chế bảo vệ, biểu dương, khen thưởng người có thành tích trong công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Ba là: Đề nghị Thanh tra Chính phủ tham mưu cấp có thẩm quyền chế tài cụ thể xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu, người có thẩm quyền không thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả các chủ trương, chính sách và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm khắc, kịp thời các trường hợp tham nhũng đã được phát hiện, kết luận nhất là các vụ án tham nhũng trọng điểm nhằm răn đe và củng cố lòng tin của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

Bốn là: Đề nghị cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng Bộ Công an nghiên cứu tham mưu quy định về thu hồi tài sản trong giai đoạn xác minh, điều tra tội phạm tham nhũng như việc tạm thu, niêm phong, xem xét tài sản của người thân đối tượng tham nhũng ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra