Thanh tra tỉnh Quảng Bình:

Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 24/03/2023 17:06
(ThanhtraVietNam) - Một trong những nội dung triển khai thực hiện Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023 của Thanh tra tỉnh Quảng Bình là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra phát hiện và xử lý tham nhũng. Trọng tâm là kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi tài sản tham nhũng.

Chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng

Kế hoạch số 144/KH-TTr về công tác PCTN năm 2023 của Thanh tra tỉnh Quảng Bình xác định công tác PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, cơ quan, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, đoàn thể trong công tác PCTN; triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác PCTN. Gắn PCTN với xây dựng Đảng bộ, cơ quan trong sạch, vững mạnh.

Đồng thời, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN đối với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình công tác. Thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong năm 2023, cấp ủy, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Quảng Bình thực hiện và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCTN, chú trọng công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức vi phạm. Chỉ đạo Phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng xây dựng kế hoạch công tác PCTN của cơ quan phải bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, đề ra các giải pháp và thời gian thực hiện cụ thể.

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực, đổi mới cách thức, phương pháp chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm đối với cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Ước, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Hội nghị giao ban nội chính Quý I/2023 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức ngày 23/3/2023. (Ảnh: https://noichinh.quangbinh.gov.vn) 

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTN; từng bước đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về PCTN, nhất là các văn bản mới ban hành, trọng tâm là: Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Công tác tuyên truyền được thực hiện theo hình thức truyền thống, như: Trang thông tin điện tử, tổ chức hội nghị, lồng ghép trong các cuộc họp cơ quan, chi bộ; khuyến khích việc sáng tạo trong công tác tuyền truyền nhằm nâng cao tác dụng, hiệu quả công tác tuyên truyền.

Kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Để công tác PCTN đạt kết quả tích cực, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, năm 2023, Thanh tra tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, gồm: Thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, của công chức, người lao động; chuyển đổi vị trí công tác; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; thực hiện quy định về việc cung cấp thông tin và tăng cường công tác phối hợp giữa các Phòng trong cơ quan.

Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, rà soát để tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh có liên quan về công tác PCTN nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật. Tham mưu UBND tỉnh đánh giá PCTN năm 2022 của tỉnh Quảng Bình theo theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh.

Đáng chú ý, một nội dung trọng tâm được Thanh tra tỉnh Quảng Bình chú trọng thực hiện là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức nhất là người đứng đầu cơ quan Thanh tra tỉnh và các Phòng trực thuộc. Theo đó, người đứng đầu cơ quan và các Phòng phải gương mẫu, liêm khiết; quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Tăng cường thực hiện các biện pháp PCTN, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác PCTN của cơ quan.

Thực hiện chặt chẽ công tác phối hợp nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu và của toàn thể cán bộ, công chức trong PCTN; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng ở cơ quan. Cán bộ, công chức phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về PCTN, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”. Tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng thuộc thẩm quyền, thông tin phản ảnh tố cáo về tham nhũng trong nội bộ cơ quan (nếu có); kịp thời biểu dương, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng theo quy định.

Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra trách nhiệm về PCTN, tập trung vào những nơi có đơn thư tố cáo tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều ý kiến. Kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường phối hợp với cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý hành vi tham nhũng./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra