Theo đó, trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta được tiến hành đồng bộ, quyết liệt theo đúng phương châm “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. Mục tiêu của việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác rất rõ đó là: Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân.
|
|
Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa |
Cùng với cả nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng” và đạt được một số kết quả nhất định. Từ đó đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần tự giác, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh tình trạng tham nhũng, tiêu cực ở địa phương theo đúng tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.
Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác đầu tư công và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công, bảo đảm công khai, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và bộ máy chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, công tác đầu tư công và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công vẫn còn có mặt hạn chế, như: Còn xảy ra một số vụ án, vụ việc liên quan đến công tác quản lý đất đai, đấu thầu, y tế, tài chính; một số vụ việc đấu thầu đầu tư công, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có hiện tượng tiêu cực …
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành về đầu tư công và quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 60-CT/TU, ngày 09/9/2024 về “lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách trên các lĩnh vực, khắc phục các sơ hở, bất cập, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ và cơ chế phòng ngừa hiệu quả nhất để “không thể tham nhũng” và “không dám tham nhũng”, chống “lợi ích nhóm”;… tạo sự thống nhất, quyết tâm cả về nhận thức, ý chí và hành động của hệ thống chính trị tỉnh và toàn xã hội, đưa công tác này thật sự “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”.
Hai là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và Quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các quy định, quy trình, thủ tục đầu tư, phân bổ vốn và triển khai các dự án đầu tư công, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định và khả thi từ khâu lập dự án đến thanh quyết toán ngân sách; việc đấu thầu, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải có trọng tâm, trọng điểm, tuyệt đối không chia nhỏ gói thầu sai quy định pháp luật; lựa chọn nhà thầu thật sự có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tránh kéo dài, gây đội vốn, lãng phí nguồn lực.
Bốn là, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư công, đầu thầu và mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, gắn với tăng cường công tác hậu kiểm, thanh quyết toán đối với từng hạng mục của dự án ngay sau khi hoàn thành. Không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “thông thầu” trong đấu thầu đầu tư công, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong giao đất, cho thuê đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất,...
Trường hợp khi có dư luận, cơ quan báo chí phản ánh về công tác đấu thầu, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý phải chỉ đạo làm rõ và chịu trách nhiệm trước kết quả theo quy định. Đồng thời, thông tin đến các cơ quan báo chí và người dân được biết.
Qua kết quả kiểm tra, thanh tra và dư luận, báo chí phản ánh, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải kịp thời chỉ đạo rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, phòng ngừa, khắc phục vi phạm (nếu có), không để “vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn”.
Năm là, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị phải nêu gương, ý thức trách nhiệm trong quản lý, điều hành đầu tư công, trong giao đất, cho thuê đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất,… và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể ở địa bàn, lĩnh vực quản lý để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; thường xuyên giáo dục, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, sĩ quan, lực lượng vũ trang, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là việc tham gia hoặc để người thân trong gia đình tham gia góp vốn, thành lập, quản lý, tổ chức các doanh nghiệp liên quan đến địa bàn, lĩnh vực trực tiếp quản lý; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để trục lợi, môi giới, tác động, bảo kê cho hoạt động của các doanh nghiệp “sân sau”.
Sáu là, tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân công cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý, điều hành đầu tư công, đấu thầu,mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao vai trò người đứng đầu, phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của cấp dưới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành theo dõi, giám sát đầu tư công, đấu thầu, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Không vì lý do phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đùn đẩy trách nhiệm, né tránh, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng các công việc được giao.
Bảy là, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, sự chủ động vào cuộc của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nói riêng; kịp thời biểu dương, nhân rộng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác này.