Ngẫm về hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ bảy, 30/11/2024 13:00
(ThanhtraVietNam) - Cả hệ thống chính trị vào cuộc vì đây là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Những kết quả là không thể phủ nhận, nhưng hiệu quả của công tác này vẫn còn hạn chế, để lại nhiều băn khoăn, suy ngẫm.
leftcenterrightdel
 Ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. Ảnh: Nam Anh

Nỗ lực tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng, văn hóa liêm chính

Năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là giáo dục đạo đức cách mạng, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cũng thường xuyên nắm bắt tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời định hướng thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhất là dư luận liên quan đến việc Trung ương cho thôi giữ chức vụ đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, đấu tranh, phản bác, xử lý các trường hợp thông tin vu cáo, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chống phá Đảng và Nhà nước.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 cho biết, cả nước có hơn 19,7 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân với hơn 617 nghìn lớp được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trên 1,3 triệu cuốn sách, tài liệu về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát hành.

Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú được triển khai bám sát Quy định số 116-QĐ/TW ngày 28/7/2023 của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, các cấp ủy đảng đã tập trung thông tin, tuyên truyền về kết quả các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; kết quả thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp; gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

Đặc biệt đã tuyên truyền đậm nét về tấm gương đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, liêm khiết, phong cách làm việc và những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

Đồng thời, khẳng định sự quyết tâm tiếp nối, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Tô Lâm, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của báo chí và các tổ chức chính trị - xã hội

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên cũng như phát huy vai trò, trách nhiệm của công dân, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở trong giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân; góp ý, phản biện xã hội đối với các dự án luật, trong đó phải kể đến các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư (tháng 11/2023); phát động Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 5 nhằm phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua đó, vai trò của báo chí tiếp tục được phát huy và khẳng định trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần vào công tác xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, khiến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành một phong trào rộng khắp của Nhân dân cả nước.

Hạn chế từ nhận thức lệch lạc và trách nhiệm nêu gương

Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thể hiện ở chỗ nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã được nâng lên. Từ đó họ có niềm tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có lập trường, tư tưởng vững vàng, đồng lòng, đoàn kết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện và hành vi tham nhũng, tiêu cực.

leftcenterrightdel
Bà Hoàng Thị Thúy Lan (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc) và ông Lê Duy Thành (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc) cùng bị bắt về tội “Nhận hối lộ”. Nguồn ảnh: Bộ Công an

Tuy nhiên, khi mà nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã được nâng lên và ngày càng vững vàng về lập trường, tư tưởng thì  chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có nhận thức lệch lạc, còn có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, bị xử lý hình sự.

Chúng ta không khỏi băn khoăn, suy ngẫm khi chính nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt, cấp ủy, UBND của một số tỉnh bị khởi tố, điều tra gần đây như: Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Bắc Giang...

Thậm chí có những lãnh đạo bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương như: Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương,...

Nhiều trường hợp vi phạm về trách nhiệm nêu gương xảy ra tại chính các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: Các vụ việc Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu bị khởi tố, bắt tạm giam; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình bị kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng do vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai...

Một số trường hợp lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí để thực hiện hành vi nhũng nhiễu, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp như: Các vụ Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; vụ Phạm Gia Thành, phóng viên Tạp chí Bầu trời rộng mở; Đặng Hải Nam, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam; vụ Võ Bình Dương, cộng tác viên báo Kinh tế và môi trường; Trần Đình Thức, phóng viên thường trú Báo Nhà báo và Công luận… bị khởi tố về hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để cưỡng đoạt tài sản;...

Đau xót, nhức nhối vô cùng! Nhưng thẳng thắn chỉ ra hạn chế, thừa nhận khuyết điểm ở những góc khuất để quyết tâm loại bỏ những tấm gương xấu, kiên quyết xử lý bằng những chế tài đủ mạnh để cảnh tỉnh, răn đe là chủ trương, giải pháp hoàn toàn đúng đắn để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra