Nghiêm trị “tham nhũng vặt” ở cơ sở

Thứ tư, 26/01/2022 13:15
(ThanhtraVietNam) - Tham nhũng gây ra nhiều hệ lụy xấu cho đất nước, làm mất lòng tin của Nhân dân, “bóp méo” chủ trương, chính sách và kìm hãm sự phát triển mọi mặt của đời sống. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có tính sống còn của chế độ, của đất nước. Mỗi cán bộ, công chức từ Trung ương xuống cơ sở đều phải có ý thức trong công tác này, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn và loại bỏ những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng, nhất là ở cơ sở.

Có thể nói, tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức ở cơ sở vẫn còn xảy ra, nhưng chúng ta chưa có biện pháp quyết liệt, kịp thời để xử lý triệt để tình trạng này. Vẫn còn tình trạng bao che, lợi ích nhóm đối với nạn “tham nhũng vặt”; không xử lý, xử lý không kiên quyết hoặc chưa loại bỏ được những cán bộ, công chức có hành có hành vi tham nhũng; không kịp thời luân chuyển, bố trí những cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng gây dư luận xấu trong xã hội.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: https://vov2.vov.vn/

Mặc dù chính quyền địa phương các cấp đã công khai địa chỉ, đường dây nóng để cá nhân, tổ chức phản ánh tình trạng tham nhũng, thậm chí có địa phương quy định rõ mức tiền thưởng đối với cá nhân, tổ chức khi tố giác hành vi tham nhũng nhưng việc tố giác vẫn còn hạn chế nên không phản ánh thực chất tình trạng tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt”. Bởi việc tham nhũng thường rất kín kẽ, khó phát hiện, khó tìm ra chứng cứ để xử lý; biểu hiện vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức thường biến tướng và tự ngầm hiểu với nhau trong mối quan hệ giải quyết công việc với cá nhân, tổ chức.

Vì vậy, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả, nhất là “tham nhũng vặt” ở cơ sở cần phải nâng cao ý thức của cán bộ, công chức; mọi hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh cần phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật. Khi xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt” ở cơ sở thì người đứng đầu phải bị kỷ luật mới đảm bảo tính răn đe, giáo dục. Bên cạnh đó, địa chỉ, đường dây nóng để tố giác hành vi “tham nhũng vặt” của cán bộ, công chức phải thật sự đáng tin cậy để cá nhân, tổ chức phản ánh, tố giác; đồng thời, thực hiện tốt việc bảo vệ người tố giác tham nhũng theo quy định và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi đe dọa, trả thù,... của người bị tố giác.

Ngoài ra, việc phát sinh “tham nhũng vặt” của cán bộ, công chức khi thực hiện thủ tục hành chính cũng xuất phát từ việc cá nhân, tổ chức cố tình “đút lót”, "mua chuộc" cán bộ, công chức để thực hiện trái quy định của pháp luật thì cũng phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có như vậy, mới góp phần ngăn chặn hành vi "tham nhũng vặt" ở cơ sở, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức và củng cố lòng tin của Nhân dân vào bộ máy nhà nước./.

Minh Đức

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra