UBND tỉnh Quảng Bình mới ban hành Kế hoạch số 2174/KH-UBND thực hiện Kế hoạch số 181-KH/TU ngày 07/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 419-KH/BCS ngày 08/11/2024 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật (Kế hoạch).
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai thực hiện phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, tích cực, chủ động, đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, bảo đảm không có ngoại lệ, không có vùng cấm, phát hiện đến đâu, xử lý đến đó.
Kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau:
Một là, tăng cường công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền đối với công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trong công tác xây dựng pháp luật.
|
|
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu bảo đảm không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công tác xây dựng pháp luật. (Ảnh: ITN) |
Hai là, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật và tăng cường PCTN, TC trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện nghiêm túc Quy định số 178-QĐ/TW, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xây dựng pháp luật phải chịu trách nhiệm trước tổ chức cấp trên trực tiếp và trước pháp luật nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Thường xuyên tự kiểm tra và chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật.
Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc kiến nghị ban hành, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm kịp thời, khoa học, dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm cơ chế chặt chẽ, không tạo kẽ hở để lợi dụng tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong công tác xây dựng pháp luật. Tạo điều kiện cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nâng cao hiệu quả giám sát; phát huy vai trò của báo chí, Nhân dân đối với việc kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong công tác xây dựng pháp luật.
Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Cùng với việc khen thưởng là xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để xuyên tác, vu khống, bịa đặt, cố ý phản ánh, tố cáo, không đúng sự thật cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Sáu là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tham mưu công tác xây dựng pháp luật. Sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, bảo đảm cơ sở vật chất, bố trí kinh phí phù hợp với hoạt động đặc thù của các cơ quan có chức năng xây dựng pháp luật./.