Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng
Kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) là hoạt động do cơ quan kiểm soát TSTN thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ TSTN, biến động về TSTN, nguồn gốc của TSTN tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng; phục vụ công tác cán bộ; kịp thời phát hiện tham nhũng; ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng.
Kê khai TSTN là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại TSTN, biến động TSTN phải kê khai, nguồn gốc của TSTN tăng thêm theo mẫu.
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, Thanh tra Chính phủ kiểm soát TSTN của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước.
Thanh tra tỉnh kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương.
Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó.
Ngày 08/02/2022, Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN được ban hành theo Quyết định số 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Căn cứ Quy chế phối hợp, ngày 03/11/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành văn bản số 03-HD/UBKTTW để hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, khai thác, xác minh, kiểm tra, giám sát, cung cấp thông tin và báo cáo về kiểm soát TSTN đối với cán bộ, đảng viên của cơ quan kiểm soát.
Theo đó, hằng năm, thường trực Ủy ban hoặc Ủy ban kiểm tra xây dựng, ban hành kế hoạch xác minh TSTN của đối tượng có nghĩa vụ kê khai do cấp ủy cấp mình quản lý.
Số lượng đảng viên được xác minh được lựa chọn tối thiểu bằng 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm, trước hết là đảng viên có đơn, thư phản ánh, tố cáo biến động về TSTN; đảng viên công tác tại cơ quan, đơn vị dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và đảng viên là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Trong thực hiện nhiệm vụ giám sát chuyên đề, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo có nội dung xác minh về TSTN thì Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện theo quy định, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Cơ quan kiểm soát TSTN chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý cán bộ và cơ quan kiểm soát TSTN có liên quan tổ chức xác minh đối với đối tượng có nghĩa vụ kê khai khi thực hiện quyết định xác minh theo quy định tại Điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng.
Chấp hành nghiêm quyết định xác minh
Năm 2023 là năm đầu tiên các cơ quan kiểm tra thực hiện nhiệm vụ xác minh TSTN của cán bộ, đảng viên theo quy định và hướng dẫn trên.
Trang thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, ngày 26/4/2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Điện Biên đã tổ chức Kỳ họp thứ 34.
Theo đó, ngoài việc thông qua báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giữa 2 kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy còn xem xét, cho ý kiến kết quả xác minh TSTN đối với 13 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Cơ quan này ghi nhận, các cán bộ, đảng viên được xác minh TSTN đã chấp hành nghiêm túc quyết định, kế hoạch xác minh; cung cấp tài liệu, báo cáo giải trình, kê khai thông tin đầy đủ.
|
|
Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Điện Biên tổ chức ngày 26/4/2024. Ảnh: UBKT |
Tuy nhiên, bản kê khai TSTN của một số người còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm sau:
Một là, kê thiếu thông tin về thời điểm xác định giá trị tài sản;
Hai là, thiếu thông tin về nguồn gốc đất và người sử dụng đất;
Ba là, giải trình biến động thu nhập giữa hai lần kê khai chưa rõ ràng;
Bốn là, chưa giải trình đầy đủ nguồn gốc của tài sản tăng thêm;
Năm là, kê khai các loại tài sản phải đăng ký không đúng theo số giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng;
Sáu là, kê không đầy đủ số cổ phiếu, cổ phần, vốn khi tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp.
Từ đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Điện Biên yêu cầu các tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao năng lực, trách nhiệm trong việc theo dõi, tiếp nhận, quản lý, hướng dẫn kê khai; tổ chức kiểm tra, giám sát kê khai, công khai TSTN.
Đảng viên được xác minh cần rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong lần kê khai kế tiếp.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và thực hiện hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và báo cáo kết quả thực hiện, khắc phục hạn chế, khuyết điểm về Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
|
Theo Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Ban thường vụ tỉnh uỷ có trách nhiệm và quyền hạn trong tuyển chọn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh:
1. Uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên ban thường vụ, trưởng ban, phó trưởng ban của tỉnh uỷ và tương đương;
2. Phó chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh;
3. Trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của tỉnh;
4. Bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ huyện uỷ và tương đương;
5. Bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ đảng uỷ khối trực thuộc;
6. Giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương;
7. Chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cấp huyện;
8. Chủ tịch, phó chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp trưởng và cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh.
|