Chỉ thị số 10/CT-TTg đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở GD, ĐT:

Nhiều hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 24/03/2023 17:22
(ThanhtraVietNam) - Tổ chức giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại các cơ sở giáo dục, đào tạo được thực hiện theo phương pháp lồng ghép, tích hợp vào các môn học được quy định phù hợp với từng cấp học, đảm bảo không tăng về số tiết và định mức giảng dạy của giáo viên và lồng ghép tuyên truyền nội dung PCTN trong các hoạt động ngoại khóa.

Tổ chức tập huấn, quán triệt chỉ thị, nội dung, phương pháp giáo dục PCTN các trường Trung học Phổ thông trong toàn tỉnh

Tại Thanh Hóa, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12-6-2013 về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trong những năm qua, các trường Trung học Phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện có hiệu quả nội dung chỉ thị, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong PCTN của cán bộ, giáo viên và học sinh.

Cụ thể, căn cứ vào nội dung chương trình mà Bộ yêu cầu, đối với cấp học trung học phổ thông, nội dung PCTN được tích hợp, lồng ghép vào môn học Giáo dục công dân với thời lượng là 6 tiết, được phân bổ trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12. Đối với trung cấp chuyên nghiệp, nội dung PCTN được giảng dạy 4 tiết trong môn học Pháp luật TCCN với tổng số tiết của chương trình không thay đổi, trong đó đã chuyển 4 tiết tự chọn (trong số 6 tiết tự chọn) thành 4 tiết bắt buộc và được bổ sung vào phần kiến thức bắt buộc 2 bài học về PCTN của chương trình môn học này.

Đồng thời, chương trình ngoại khóa, các trường lựa chọn đưa nội dung PCTN vào các hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc thù của từng cấp học với một số hình thức như: báo cáo chuyên đề, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về PCTN, lồng ghép nội dung PCTN trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm, xây dựng chuyên mục giáo dục về PCTN trên trang thông tin điện tử của trường…

Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản hướng dẫn các trường đưa nội dung PCTN vào giảng dạy bằng phương pháp tích hợp, lồng ghép vào môn Giáo dục công dân (GDCD) với thời lượng tương đương 6 tiết được phân bổ trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12 và lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Cùng với đó, sở tổ chức tập huấn, quán triệt chỉ thị, nội dung, phương pháp giáo dục PCTN đến các nhà trường, giáo viên dạy bộ môn GDCD của các trường THPT trong toàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, nhiều trường đã tích cực lồng ghép tuyên truyền nội dung PCTN trong giờ dạy chính khóa môn GDCD cũng như các hoạt động ngoại khóa. Đại diện Ban Giám hiệu Trường THPT Ngọc Lặc, cho biết: Nhà trường đã thực hiện lồng ghép nội dung PCTN vào các bài giảng theo đúng hướng dẫn, kế hoạch bảo đảm đủ thời lượng theo quy định. Ngoài ra, ban giám hiệu nhà trường còn chỉ đạo tổ chuyên môn lồng ghép nội dung này vào các hoạt động phong trào về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Việc làm này đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên được tiếp cận với nội dung giảng dạy mới, hiểu thêm về PCTN, các em học sinh có hiểu biết về hậu quả của tham nhũng đối với xã hội, nhận biết những hành vi, dấu hiệu, hình thức tham nhũng phổ biến hiện nay...

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập cần phong thú hơn

Còn tại Trường THPT Hoàng Lệ Kha, huyện Hà Trung việc lồng ghép nội dung PCTN vào bài giảng và hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp cũng được nhà trường chỉ đạo sát sao và đã mang lại những kết quả khả quan. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, hầu hết học sinh hiểu được thế nào là tham nhũng, những biểu hiện của tham nhũng, nguyên nhân, tác hại của tham nhũng.

Kết quả, các em học sinh được tiếp cận với nhiều nội dung, kiến thức về pháp luật, trong đó có nội dung về PCTN. Nội dung này tuy còn mới với học sinh, nhưng qua những buổi học, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp hay các buổi nói chuyện của thầy hiệu trưởng, của đoàn trường đã giúp cho các em hiểu hơn về thực trạng tham nhũng, từ đó ý thức hơn về trách nhiệm đối với PCTN…

Có thể thấy, PCTN được Đảng ta xác định có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, vì vậy việc đưa nội dung này vào giảng dạy ở các nhà trường là hết sức cần thiết. Kết quả triển khai thực hiện trong thời gian qua với những chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức đấu tranh PCTN của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh đã minh chứng cho một chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo nhiều cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy môn GDCD, việc lồng ghép nội dung PCTN cũng gặp không ít khó khăn khi môn GDCD phải tích hợp nhiều nội dung như, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bảo vệ môi trường; an toàn giao thông; kỹ năng sống... nên việc cung cấp kiến thức về PCTN cho các em còn hạn chế, chưa sâu. Trong khi đó nội dung giảng dạy khô khan, thiếu tính hấp dẫn; tài liệu phục vụ giảng dạy còn hạn chế, chủ yếu là do giáo viên tự sưu tầm...

Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, để việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các trường THPT đạt hiệu quả cao hơn nữa, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong PCTN của cán bộ, giáo viên, học sinh, thiết nghĩ, ngành GD&ĐT cần tiếp tục tập huấn cho cán bộ, giáo viên đang trực tiếp triển khai thực hiện về nội dung, phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức các hoạt động ngoại khóa; tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập cần phong phú hơn.

Cần có thêm nhiều ví dụ về các vụ án tham nhũng lớn đã được công khai. Đặc biệt, mỗi đơn vị trường học, giáo viên trực tiếp giảng dạy cần năng động, sáng tạo hơn nữa trong việc lồng ghép nội dung PCTN vào bài giảng chính khóa cũng như xây dựng các hoạt động ngoại khóa thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh, tạo hiệu quả tốt hơn trong giảng dạy và học tập./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra