Hoạt động xác minh tài sản thu nhập là một hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, do cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện. Do vậy, việc thực hiện xác minh phải được tiến hành khi có các căn cứ do pháp luật quy định.
Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 chỉ thực hiện xác minh tài sản thu nhập khi có 3 căn cứ: một là, phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản khi xét thấy cần thiết; hai là, theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; ba là khi có hành vi tham nhũng.
|
|
TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy Trưởng Khoa Nghiệp vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ phổ biến vấn đề về kê khai tài sản, phòng chống tham nhũng. (Ảnh - HT) |
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 mở rộng hơn các căn cứ tiến hành xác minh. Theo TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng Khoa Nghiệp vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ: Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:
Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;
Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;
Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;
Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
|
|
Cán bộ, công chức được hướng dẫn về thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. (Ảnh - HT) |
Như vậy, có thể thấy Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 mở rộng phạm vi cho việc tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Việc xác minh tài sản, thu nhập có thể được tiến hành khi cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập phát hiện hành vi kê khai không trung thực, giải trình không hợp lý; khi có những tố cáo được thụ lý, hoặc khi có các yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo luật định. Điều này tạo ra cơ chế giám sát, kiểm tra chéo lẫn nhau, huy động sự tham gia của nhiều bên độc lập, nhiều chủ thể vào giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập.
Tuy nhiên, việc xác định khi nào được coi là “có dấu hiệu rõ ràng” về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, hay thế nào là “giải trình không hợp lý” ở căn cứ thứ hai vẫn còn định tính, cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng căn cứ này khi tiến hành xác minh.