Những gói thầu có giá trúng chênh lệch lớn “bất thường” so với giá mời do các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Phát điện 3 làm chủ đầu tư

Thứ bảy, 02/11/2024 11:45
(ThanhtraVietNam) - Trong năm 2023, Tổng Công ty Phát điện 3 và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức hàng trăm gói thầu với tổng giá trị nhiều nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, có những gói thầu mua sắm lại có giá trúng chênh lệch lên đến hơn 60% so với giá mời thầu mà chủ đầu tư đưa ra.
leftcenterrightdel
Trụ sở Tổng Công ty Phát điện 3. Ảnh: genco3.com 

­­­Theo thông tin từ trang Web của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (gọi tắt là GENCO3), đơn vị được thành lập theo Quyết định số 3025/QĐ-BCT ngày 1/6/2012 của Bộ Công thương trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Phú Mỹ, các công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các Ban quản lý dự án nguồn điện và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại một số công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (gọi tắt là EVN) đang hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2100/QĐ-TTg về việc phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 3, trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngày 1/10/2018, GENCO3 chính thức hoạt động, EVN nắm giữ 99,2% cổ phần của GENCO3.

Ngày 10/2/2022, GENCO3 chính thức niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán là PGV. Trụ sở chính của GENCO3 tại số 60-66, Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị Sala, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Hiện nay, GENCO3 do ông Đinh Quốc Lâm làm Chủ tịch HĐQT và ông Lê Văn Danh làm Tổng Giám đốc với có 8 đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, Công ty Nhiệt điện Mông Dương, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện FVNGENCO3 (EPS), Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân, Ban quản lý dự án Nhiệt điện 1, Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình.

leftcenterrightdel
Ông Đinh Quốc Lâm  - Chủ tịch HĐQT GENCO3. Ảnh: genco3.com 

Ngoài ra, còn có 2 công ty con là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình. Cùng 6 công ty liên kết, đầu tư góp vốn gồm: Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Sê San 3A, Công ty TNHH Dịch vụ năng lượng GE-PMTP, Công ty Cổ phần điện Việt Lào, Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2.

leftcenterrightdel
Ông Lê Văn Danh - Tổng Giám đốc GENCO3. Ảnh: genco3.com 

Trong năm 2023, GENCO3 và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện 643 gói thầu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ThanhtraVietNam có nhiều gói thầu mua sắm do các đơn vị trực thuộc GENCO3 làm chủ đầu tư có giá trúng thầu chênh lệch lớn “bất thường” so với giá mời thầu.

Cụ thể, ngày 31/10/2023, ông Dương Thanh Dũng – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ ký ban hành Quyết định số 2220/QĐ-NĐPM về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu “Cung cấp máy biến điện áp TU và máy biến dòng TI cho trạm 500Kv NMĐ Phú Mỹ 4”, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần thương mại và phân phối thiết bị điện Việt Nam, với giá trúng thầu là 1.376.122.000 đồng.

leftcenterrightdel
Trích Quyết định do ông Dương Thanh Dũng – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ ký. 

Được biết, gói thầu này được Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ tổ chức đấu thầu qua mạng với hình thức chào hàng cạnh tranh, với giá mời thầu là 3.917.958.000 đồng. Quá trình mời thầu, đã có 4 nhà thầu tham dự, trong đó có hai nhà thầu bị trượt do có giá dự thầu xếp thứ 2 và thứ 3, một nhà thầu bị trượt do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Như vậy, sau quá trình tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, đơn vị trúng thầu đã bỏ giá thấp hơn giá mời thầu 2.541.836.000 đồng, tương đương gần 64,88%.

Trước đó, ngày 6/10/2023, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Mông Dương cũng ký ban hành Quyết định số 3684/QĐ-NĐMD về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 75: Mua sắm, lắp đặt bổ sung câu trục gian máy tuabin, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, với giá trúng thầu là 14.800.000.000 đồng.

leftcenterrightdel
Quyết định do ông Nguyễn Hữu Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Mông Dương ký. 

Gói thầu này được Công ty Nhiệt điện Mông Dương mời thầu với giá 20.821.000.000 đồng, khi tổ chức mời thầu có 4 nhà thầu tham dự. Trong đó, 3 nhà thầu bị trượt vì lý do giá dự thầu không phải là thấp nhất và không đáp ứng yêu cầu E-HSMT về mặt kỹ thuật.

Như vậy, giá trúng thầu thấp hơn giá mời thầu mà chủ đầu tư đưa ra là hơn 6 tỷ đồng, tương đương 28,8%.

Tương tự, ngày 31/10/2023, ông Trần Văn Khánh – Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã ký ban hành Quyết định số 3113/QĐ-TĐBK về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 02.SCL2024 - Mua sắm thiết bị tủ điều tốc và cung cấp dịch vụ thí nghiệm hệ thống điều tốc tổ máy H1 - NMTĐ Buôn Kuốp. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và thương mại Song Quỳnh, với giá trúng thầu là 2.853.400.000 đồng.

Gói thầu này được chủ đầu tư mời thầu với giá 7.686.000.000 đồng. Như vậy, giá trúng thầu thấp hơn 4.833.400.000 đồng, tương đương gần 62,9%.

leftcenterrightdel
Quyết định do ông Trần Văn Khánh - Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp ký. 

Tiếp đến ngày 10/11/2023, ông Trần Văn Khánh – Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã ký ban hành Quyết định số 3227/QĐ-TĐBK về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 05.SCL2024 - Mua sắm các bộ làm mát tổ máy H1 và H2 - NMTĐ Buôn Kuốp. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Kiên Phát – Nam Hải (Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ và năng lượng Kiên Phát – Công ty TNHH vật tư và thiết bị Nam Hải), với giá trúng thầu là 6.888.800.000 đồng.

So với giá mời thầu được chủ đầu tư đưa ra là 10.879.000.000 đồng, giá trúng thầu thấp hơn 3.990.200.000 đồng, tương đương gần 36,7%.

leftcenterrightdel
 Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do ông Trần Văn Khánh ký.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực đấu thầu, khi doanh nghiệp tham gia dự thầu thì vấn đề bỏ giá là việc họ quan tâm nhất và sẽ cân nhắc rất kỹ. Bởi lẽ, nếu không cân nhắc kỹ doanh nghiệp khi trúng gói thầu sẽ dẫn đến không có lãi thậm chí là lỗ. Thế nhưng, việc doanh nghiệp trúng thầu thấp hơn giá mời thầu mà chủ đầu tư đưa ra gần 1/3 thậm chí quá nửa như vậy thì quả thật họ đã phải tính toán rất kỹ câu chuyện lỗ lãi khi bán hàng. Hơn thế nữa, họ chắc chắn đã so sánh bảng giá các thiết bị trong gói thầu mà chủ đầu tư đưa ra, để cân đối với chi phí mà họ sản xuất hoặc nhập các thiết bị về để cung cấp vì với doanh nghiệp thứ duy nhất họ quan tâm khi bán được hàng là tỷ lệ lãi.

“Tôi cho rằng, chủ đầu tư cần xem xét lại quy trình xây dựng giá các thiết bị trong các gói thầu. Vì đây chính là mấu chốt quan trọng để đưa ra quyết định giá gói thầu cũng như việc thực hành tiết kiệm tốt nhất trong công tác đấu thầu” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành Định hướng chương trình thanh tra năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Định hướng cũng nêu rõ, hoạt động thanh tra phải thực hiện đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục pháp luật quy định; bảo đảm nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra với nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó có nội dung: Thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), lãng phí, chống thông thầu, mua bán thầu tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc…

Chuyên đề Sai phạm trong hoạt động đấu thầu được ThanhtraVietNam thực hiện đã chỉ ra nhiều dạng sai phạm khác nhau trong hoạt động đấu thầu, chủ yếu đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả. Chính từ những dấu hiệu “không bình thường” ở các gói thầu, sau khi được thanh tra, kiểm tra, điều tra, cơ quan chức năng đã đưa ra ánh sáng những nhóm lợi ích đằng sau hàng loạt gói thầu “khủng”, xử nghiêm các cá nhân sai phạm, thu hồi triệt để tiền, tài sản sai phạm cho Nhà nước.

Theo điều tra của ThanhtraVietNam, những năm gần đây Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, Công ty Nhiệt điện Mông Dương, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã tổ chức hàng trăm gói thầu với tổng giá trị nhiều trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải gói thầu nào cũng có tỷ lệ tiết kiệm “khổng lồ” như vậy. Trong những bài viết tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những điều “bất thường” của những gói thầu do các đơn vị này làm chủ đầu tư./.

Minh Châu

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra