Nỗ lực phòng ngừa tham nhũng từ gốc: 5 năm nhìn lại

Thứ ba, 24/12/2024 11:05
(ThanhtraVietNam) - Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhiều giải pháp phòng ngừa đã được triển khai, mang lại kết quả tích cực, góp phần kiềm chế, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Sau 5 năm triển khai thi hành Luật PCTN, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong công tác PCTN. Các giải pháp không ngừng được cải thiện và đi vào chiều sâu, nhấn mạnh tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Công tác này đã khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ sự liêm chính, xây dựng một xã hội minh bạch và công bằng.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó. Các hành vi tham nhũng không chỉ xuất hiện với mức độ tinh vi hơn mà còn bộc lộ những vấn đề trong công tác quản lý, giám sát. Những khó khăn này đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng để hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn triệt để nguy cơ tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Công khai, minh bạch: Nền tảng phòng ngừa

Một trong những điểm nhấn của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng là việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Trong 5 năm qua, 139.208 cơ quan đã được kiểm tra về mức độ công khai, minh bạch trong hoạt động. Kết quả đã phát hiện và xử lý hơn 1.445 cơ quan vi phạm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp giám sát chặt chẽ các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN cũng được đẩy mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Những vụ việc được công bố kịp thời đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng.

Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn

Công tác rà soát, bổ sung và hoàn thiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ cũng được chú trọng. Hơn 54.000 văn bản đã được ban hành để củng cố khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản lý. Các cuộc kiểm tra liên quan đến việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã phát hiện 1.900 vụ việc vi phạm, xử lý hành chính 788 người, chuyển xử lý hình sự 69 người và thu hồi 177,7 tỷ đồng.

Những kết quả này thể hiện rõ sự quyết tâm trong việc xây dựng một hệ thống quản lý chặt chẽ, đảm bảo tính liêm chính và minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Tăng cường thực thi quy tắc ứng xử

Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được coi là tấm gương phản chiếu đạo đức nghề nghiệp và sự liêm chính. Trong 5 năm qua, hơn 117.848 cơ quan đã được kiểm tra về việc thực hiện quy tắc ứng xử, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.906 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Đặc biệt, việc nộp lại quà tặng theo quy định cũng được thực hiện nghiêm túc, với 45 trường hợp đã nộp lại tổng số tiền 739,1 triệu đồng. Đây là bước tiến quan trọng nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân.

Chuyển đổi vị trí công tác: Phòng ngừa từ gốc

Chuyển đổi vị trí công tác được coi là một trong những biện pháp quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức. Tính đến nay, 235.271 công chức, viên chức đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng theo đúng quy định của Luật PCTN.

Quá trình chuyển đổi được thực hiện đảm bảo phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ

Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý là giải pháp đột phá, góp phần phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét, việc công khai, công bố, cập nhật TTHC được thực hiện thường xuyên.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Cổng dịch vụ công quốc gia đã được triển khai, cung cấp 19.297 thủ tục hành chính trực tuyến, góp phần minh bạch hóa quy trình, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, từ đó hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cũng là giải pháp góp phần phòng ngừa tham nhũng. Giao dịch TTKDTM đạt 28,1 tỷ giao dịch với 615,32 triệu tỷ đồng. Số liệu cho thấy, giao dịch TTKDTM ngày càng tăng, góp phần minh bạch hóa các giao dịch tài chính, hạn chế rủi ro tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Kiểm soát tài sản, thu nhập: Thách thức và giải pháp

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đã tích cực thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trong giai đoạn 2020-2024, đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua đó, phát hiện và xử lý 147 người vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, việc triển khai công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể về pháp lý cũng như phương pháp tiếp cận.

Dù vậy, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đã tích cực thực hiện các quy định pháp luật, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm và tháo gỡ vướng mắc. Việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập là giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn từ gốc các hành vi tham nhũng.

Hướng tới một xã hội minh bạch và liêm chính

Nhìn lại 5 năm qua, công tác phòng ngừa tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, từ việc tăng cường công khai, minh bạch, đến cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các giải pháp phòng ngừa.

Sự tham gia tích cực của toàn dân, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, sẽ là động lực mạnh mẽ để xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Công cuộc phòng, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân, hướng tới một Việt Nam công bằng, văn minh và phát triển bền vững.

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra